VT0272
| ML | Q 01 | Q 02 | Q 03 | Q 04 | Q 05 | Q 06 | Q 07 | Q 08 | Q 09 | Q 10 |
KINH ĐẠI TÁT-GIÀ NI-KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Hán dịch: Đầu đời Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, người xứ Thiên Trúc.
Việt Dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phẩm 1: PHẦN TỰA
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở trong vườn vua Nghiêm Sí thuộc thành Uất-xà-diên. Trong vườn ấy, có nhiều cây cối tươi đẹp và kỳ lạ vô cùng như: cây Bà-la, cây Đa-la, cây Đa-ma-la, cây Ca-ni-ca-la, cây Ni-câu-luật, cây Ba-la-xoa, cây hoa Uất-đàm-bát, cây hoa Bàsư-ca, cây hoa Đà-nậu-ni-ca, cây hoa A-đề-mục-đa-la, cây hoa Chiêm-bặc, cây hoa Thâu-la, cây hoa Ba-tra-la. Như vậy, khu vườn ấy được trang hoàng vô số trăm ngàn cây cối tươi đẹp.
Lại có các dòng nước khác nhau, như nước suối, nước biển, dòng nước chảy thẳng, dòng nước uốn lượn, nước A-la-ca, nước ao, nước từ trên chảy xuống, nước từ dưới phun lên. Như vậy, có vô lượng trăm ngàn các dòng nước vi diệu tô điểm.
Lại có các loại hoa nhiều màu sắc rất đẹp, như hoa Ưu-ba-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa Tha-la, hoa Ma-ha tha-la, hoa Lô-giá, hoa Ma-ha lô-giá. Như vậy, có vô lượng, vô biên trăm ngàn loại hoa đẹp trang trí.
Lại có những loài chim có tiếng hót rất hay, như chim Thiên nga, chim Côn-lôn-già, chim Câu-chỉ-la, chim Câu-na-la, chim Cuđa, chim Quật-đa, chim Anh vũ, chim Cà-dục, chim Xà-bà-xà-bá, chim Ca-lăng-tần-già. Như vậy, có vô lượng, vô biên các loài chim có tiếng hót hay.
Lại có những loài ong với nhiều màu sắc rất đẹp, bay trên hư không, xen lẫn nối liền nhau, giống như một tấm lưới được kết lại, che khắp trên bầu trời để làm trang trí.
Lại có các loại cỏ nhiều màu sắc, mềm mại, có hương thơm, cùng với vô lượng trăm ngàn màu sắc đẹp khác nhau, tô điểm trên mảnh đất ấy. Có những thứ trang hoàng đẹp đẽ ở trong vườn như thế.
Ở đây, cũng có đại chúng Tỳ-kheo gồm bảy mươi hai trăm ngàn vạn ức vị, như là: Tuệ mạng Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, A-nậu-lâu-đà, Tu-bồ-đề, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Kiếptân-na, Nan-đà, Na-đề Ca-diếp, Già-da Ca-diếp, Phú-lâu-na Di-đa-lani Tử, Kiều-phạm-ba-đề, Bàn-tha-ca, Châu-la-bàn-tha-ca, Đà-phiêuma-la-tử, Khước-đà-lâm-thuần-đà, Ma-ha Câu-hy-la, La-hầu-la và Tuệ mạng A-nan. Đó là những vị làm Thượng thủ trong đại chúng gồm bảy mươi hai trăm ngàn vạn ức vị.
Tất cả các vị đều tu tập các hạnh ở trong các cảnh giới của pháp giới như thật, đã nhập vào thật tánh pháp giới. Tất cả đều đạt được hạnh vi diệu thù thắng của cảnh giới hư không không chướng ngại, đạt được hạnh không đắm trước, xa lìa các cấu nhiễm phiền não và tất cả kết sử; tất cả đều vào nơi ánh sáng pháp tánh của Như Lai chiếu đến, cùng chứng một trí tuệ lớn bình đẳng pháp tánh, đạt được các môn Nhất thiết trí của Như Lai trong hiện tại, đạt được khả năng bằng không ngừng trong đạo Bồ-đề tâm; tất cả đều không thoái lui, đi thẳng đến đại Bồ-đề; tất cả đều chứng được bất thoái chuyển đại Bồ-đề tâm, đạt Đệ nhất tri kiến Bát-nhã, đi đến bờ kia. Tất cả đều đạt được trí tuệ phương tiện cứu cánh đi đến bờ kia.
Lại có Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Da-thâu-đà-la... có tám ngàn vị Tỳ-kheo-ni làm thượng thủ trong năm ngàn vạn ức Tỳ-kheo-ni. Tất cả đều đầy đủ hoàn hảo các thiện pháp thắng vi diệu; tất cả đều đi vào đạo Nhất thiết trí hoàn toàn; tất cả đều gần với trí Nhất thiết trí; tất cả đều nhập vào tánh không sở hữu; tất cả đều có khả năng quán sự vô thường của các pháp; tất cả đều có lòng tin hoàn toàn đối với pháp hữu hạn và vô hạn; tất cả đều đạt được giải thoát không chướng ngại; tất cả đều đạt được sự tùy theo nhân duyên có thể giáo hóa chúng sinh, để họ thấy được sắc thân của chư Phật.
Lại có bảy mươi hai trăm ngàn vạn ức Đại Bồ-tát đang tập hợp, như là: Bồ-tát Đại Tốc Hành, Bồ-tát Đại Tốc Hành Trụ Trì, Bồ-tát Phấn Tấn, Bồ-tát Đại Phấn Tấn Vương, Bồ-tát Đại Tinh Tấn Phấn Tấn, Bồ-tát Đại Dũng Phấn Tấn, Bồ-tát Hiện Đại Dũng Thế, Bồ-tát Đại Lực Phấn Tấn, Bồ-tát Đại Chúng Tự Tại, Bồ-tát Đại Hương Tượng, Bồ-tát Đại Nguyệt, Bồ-tát Thiện Nguyệt, Bồ-tát Nguyệt Công Đức, Bồ-tát Bảo Nguyệt, Bồ-tát Nguyệt Quang Phổ Chiếu, Bồ-tát Pháp Vô Cấu Nguyệt, Bồ-tát Phổ Chiếu, Bồ-tát Nguyệt Danh Xưng, Bồ-tát Phóng Nguyệt Quang Minh, Bồ-tát Mãn Nguyệt, Bồ-tát Phạm Thinh, Bồ-tát Phạm Tự Tại Hống Thinh, Bồ-tát Địa Hống Thinh, Bồ-tát Pháp Giới Hống Thinh, Bồ-tát Kinh Bố Nhất Thiết Quỹ Cung Hống Thinh, Bồ-tát Xuất Pháp Cổ Thinh, Bồ-tát Phổ Thức Thinh, Bồ-tát Vô Phân Biệt Ly Phân Biệt Thinh, Bồ-tát Sư Tử Hống Địa Dũng Thinh, Bồ-tát Bế Tắc Nhất Thiết Thinh, Bồ-tát Phổ Tạng, Bồ-tát Công Đức Tạng, Bồ-tát Phổ Chiếu Tạng, Bồ-tát Bảo Tạng, Bồ-tát Nguyệt Tạng, Bồ-tát Nhật Tạng, Bồ-tát Nhật Quang Tạng, Bồ-tát Ba Đầu Ma Tạng, Bồ-tát Phước Đức Tạng, Bồ-tát Trí Thắng Tạng, Bồ-tát Đại Tuệ, Bồ-tát Thắng Tuệ, Bồ-tát Danh Xưng Tuệ, Bồ-tát Khoái Tuệ, Bồ-tát Thượng Tuệ, Bồ-tát Tăng Trưởng Tuệ, Bồ-tát Vô Biên Tuệ, Bồ-tát Quảng Tuệ, Bồ-tát Phật Tuệ, Bồ-tát Vô Tận Tuệ, Bồ-tát Di Lưu Sơn Đăng Minh, Bồ-tát Nhiên Đại Đăng Minh, Bồ-tát Pháp Đăng Minh, Bồ-tát Biến Thập Phương Đăng Minh, Bồ-tát Phổ Chiếu, Bồ-tát Phổ Diệt Nhất Thiết Ám Đăng Minh, Bồ-tát Phổ Chiếu Chư Thúc Đăng Minh, Bồ-tát Thường Phóng
Hỏa Quang Đăng Minh, Bồ-tát Nguyệt Quang Đăng Minh, Bồ-tát Nhật Quang Đăng Minh, Bồ-tát Ly Ác Đạo, Bồ-tát Hàng Ma, Bồ-tát Đại Hàng Ma, Bồ-tát Hy Sinh, Bồ-tát Nan Hàng, Bồ-tát Nan Lường, Bồ-tát Nan Tri Trí, Bồ-tát Kiệt Ác Đạo, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Quán Thế Tự Tại, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử. Những vị này làm Thượng thủ trong bảy mươi hai trăm ngàn vạn chúng.
Như vậy, tất cả các Đại Bồ-tát đều đắc Nhất sinh bổ xứ, đạt được Đà-la-ni, đạt đến các biển Tam-muội, đạt được vô biên lạc thuyết, vô ngại biện tài, đạt được khả năng thuyết pháp không còn sợ hãi. Tất cả đều đạt được đệ nhất đến bờ kia, rừng công đức tự tại như ý. Tất cả đều đạt được đại đạo thần thông, tự do nhanh chóng đi đến các quốc độ chư Phật. Tất cả đều đạt được thân tâm giải thoát, tự do không còn chướng ngại. Tất cả đều đạt được tri kiến rốt ráo không còn chướng ngại. Tất cả đều đạt khả năng thị hiện thân Phật đi khắp mười phương, đến những quốc độ không có Phật. Tất cả đều đạt được chánh trí như thật, chuyển đại pháp luân không còn lỗi lầm. Tất cả đều đạt được sự tùy thuận khắp mười phương, lắng nghe tiếng chúng sinh để thuyết pháp cho họ. Tất cả đều đạt được môn Đà-lani, không nói phi pháp. Tất cả đều đạt được pháp giới như thật, không thủ không xả. Tất cả đều đạt được khả năng thuyết pháp về nghĩa “Không” của các pháp không còn bị chướng ngại. Tất cả đều có thể rống lên tiếng rống sư tử, có khả năng thu phục ngoại đạo, có khả năng phá tan kẻ thù ma oán. Tất cả đều đạt được thần thông của Bồ-tát và các hạnh tốt đẹp thù thắng, đều đã xa lìa các sự hận thù, ghen ghét. Tất cả đều đạt được tâm rộng lớn bình đẳng như địa, thủy, hỏa, phong. Tất cả đều vào nơi sâu xa bí mật của các Đức Như Lai, vì chúng sinh giữ gìn Phật sự. Tất cả đều đạt hạnh thù thắng, được các Đức Như Lai khen ngợi, tán thán, tùy hỷ nói về hạnh của những vị ấy và có thể tồn tại vô lượng, vô biên kiếp, có khả năng giữ gìn pháp luân của Đức Như Lai đã thuyết giảng và được phóng ra ánh thù thắng không thể nói hết được. Tất cả đầy đủ sự tự tại ở trong các thế gian, những lời nguyện trong quá khứ đều được thành tựu. Tất cả đều đạt được cảnh giới tánh hạnh của các Đức Như Lai và có đủ hạnh tốt đẹp đã tu trong quá khứ. Tất cả đều đạt được trí vô cấu thanh tịnh của Đức Phật, không dừng nghĩ, thường dũng mãnh tinh tấn cúng dường tất cả các Đức Phật Như Lai. Tất cả đều phát khởi dũng mãnh, giữ gìn vững chắc quả vị không thoái chuyển. Tất cả đều được đại Bi hiện tiền, được tự tánh thanh tịnh thâm tâm giải thoát. Tất cả đều xa lìa các phiền não như nghi, hối, giới thủ, được thần lực của các Đức Phật trong quá khứ gia hộ.
Lại có rất nhiều Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Lại có các vị đầy đủ oai đức thù thắng như Thiên vương ở các cõi Trời, các vị Long vương, Dạ-xoa và vua Dạ-xoa, các Càn-thát-bà và vua Càn-thát-bà, các Atu-la và vua A-tu-la, các Ca-lâu-la và vua Ca-lâu-la, các Khẩn-na-la và vua Khẩn-na-la, các Ma-hầu-la-già và vua Ma-hầu-la-già, người và vua người.
Lúc bấy giờ, tất cả các đại chúng đều có trăm ngàn vạn ức bà con quyến thuộc đều có mặt đầy đủ trong chúng hội.
Bấy giờ, vì vô lượng trăm ngàn vạn ức đại chúng cung kính vây quanh, Đức Thế Tôn ngồi kiết già ở trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, chứa đầy công đức thù thắng. Sắc thân nhiệm mầu của Như Lai toát lên uy đức sáng ngời. Tướng ấy rất thù thắng hiển hiện rực rỡ, che khắp cả trời, rồng,… tám bộ chúng.
Ví như núi chúa Tu-di mọc lên giữa biển lớn, ánh sáng uy nghi rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ làm che các núi nhỏ. Cũng vậy, Đức Như Lai Thế Tôn là vua đại Tu-di, ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, uy nghi chói lọi, toát lên rực rỡ thật hiếm có che khắp cả đại chúng.
Giống như trăng đầu tháng, vầng ánh sáng lớn dần dần, cho đến khi mặt trăng tròn, ánh sáng của nó rất đặc biệt tỏa ra rực rỡ làm lu mờ tất cả ánh sáng của các vì sao. Cũng vậy, Đức Như Lai Thế Tôn ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu uy nghi sáng chói rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ sáng khắp tất cả đại chúng trời, người.
Giống như hư không trong sáng, không bụi nhơ, xa lìa tất cả những đám mây che mờ, bụi bặm nhiễm ô. Trong hư không kia, mặt trời phóng ánh sáng lớn. Ánh sáng ấy rất vượt lên tất cả, tỏa ra rực rỡ sáng che khuất tất cả ánh sáng của các loại côn trùng, đom đóm. Cũng vậy, vầng mặt trời của Đức Thế Tôn khi ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn uy nghi sáng chói rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ, ánh sáng bao phủ khắp cả làm cho ánh sáng của Thích Đề-hoàn Nhân, các trời Phạm thiên và Tứ Thiên vương không thể xuất hiện.
Giống như đêm tối tăm ở trên đỉnh núi lớn bỗng đốt một vầng lửa lớn, ánh sáng rất rực rỡ, chiếu sáng làm hiện ra tất cả đều thấy. Cũng như ánh sáng của vầng lửa lớn ấy, Đức Như Lai khi ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, ánh sáng đặc biệt tỏa ra rực rỡ, những ai có nhân duyên đều thấy được.
Giống như vua trong các loài thú ở trong núi sâu, uy lực hùng mạnh, toát lên sự hiển hách, hàng phục được tất cả các loài côn trùng cầm thú. Cũng vậy, Đức Như Lai là Sư tử chúa của các pháp, ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, uy nghi chói lọi tỏa ra rực rỡ, thu phục tất cả ngoại đạo và các chúng sinh tà kiến.
Cũng như viên bảo châu như ý ma-ni tám cạnh trong suốt, gắn ở trên phướn cao chiếu ánh sáng rực rỡ, tùy theo tâm nguyện của chúng sinh, mưa xuống các thứ khiến cho họ được đầy đủ. Ánh sáng ấy rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ chiếu khắp mười phương. Cũng vậy, Đức Như Lai như ngọc ma-ni, ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, ánh sáng trí tuệ rất lớn, uy nghi chói sáng rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ chiếu khắp mười phương, khiến cho ước nguyện của chúng sang được thỏa mãn.
Giống như bậc Chuyển luân thánh vương tự tại, uy đức thù thắng, tỏa ra rực rỡ, có khả năng vững chắc chinh phục khắp bốn thiên hạ, không ai có thể đối địch được. Cũng vậy, Đức Như Lai Thế Tôn như vua Chuyển pháp luân, ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, uy nghi chói sáng rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ hàng phục tất cả ma quỷ, oán thù.
Giống như Thích Đề-hoàn Nhân trang điểm báu ma-ni, anh lạc của Đế Thích trên cổ, rồi ngồi trên Thiện pháp đường trong các chúng trời, uy đức thù thắng tỏa ra rực rỡ, thu phục tất cả đại chúng chư Thiên. Cũng vậy, Đức Như Lai như Đế Thích ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, uy đức sáng chói rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ che khắp trời người.
Phẩm 2: VẤN NGHI
Lúc bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thấy vô số đại chúng vân tập, thấy Đức Thế Tôn thị hiện tướng rất thù thắng hiếm có, mới nghĩ: “Hôm nay, vì nhân duyên gì mà Đức Thế Tôn lại thị hiện tướng này trước? Hôm nay có điều nghi vấn, ta phải nên hỏi. Vì sao Đức Như Lai Thế Tôn ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng trăm ngàn vạn phước báu, uy nghi sáng chói rất đặc biệt, tỏa ra rực rỡ và có vô lượng đại chúng tập hợp như thế? Đây là điều khó có thể gặp được.”
Nghĩ như vậy rồi, Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, quỳ gối phải chạm đất, chắp tay hướng về Đức Phật dùng kệ tán thán Đức Như Lai:
Thế Tôn tỏa mười Lực
Trời người các thế gian
Ba cõi không ai bằng
Lẽ đâu có người hơn?
Như núi chúa Tu-di
Vượt biển lớn, núi nhỏ
Vững chắc không lay động
Các trời nhờ an ổn
Như Lai vua Tu-di
Vượt qua biển sinh tử
Đầy đủ các công đức
An trụ không lay động
Thân Tu-di công đức
Hiện trong các thế gian
Tất cả nương Như Lai
An ổn trụ Niết-bàn
Như hư không không chướng
Trăng tròn chiếu sáng nhất
Ánh sáng những vì sao
Lại tắt không xuất hiện
Như Lai mười Lực tịnh
Trăng trí tuệ sáng trong
Thần thông các đệ tử
Chỉ như sao lập lòe
Như ánh sáng mặt trời
Chiếu sáng các thế gian
Trừ sạch mọi tối tăm
Làm mờ ánh sáng nhỏ
Trí mặt trời Như Lai
Trừ si ám thế gian
Ánh sáng các Phạm vương
Lụi tắt không xuất hiện
Như đóm lửa trong đêm
Cháy trên đỉnh núi cao
Vì thể ánh sáng trong
Mười phương tối đầu thấy
Lửa Như Lai sáng rực
Trí tuệ tỏa núi cao
Chiếu cõi tối phiền não
Pháp tánh được hiện ra
Giống như vua sư tử
Hùng mạnh át các thú
Không hiện tướng uy hiếp
Nhưng các thú quy phục
Như Lai vua sư tử
Đầy đủ Lực; Vô úy
Tâm từ với ngoại đạo
Tự nhiên đều quy phục
Giống như ngọc ma-ni
Tỏa sáng chiếu thế gian
Theo các nguyện chúng sinh
Mưa thỏa mãn tất cả
Như Lai ngọc ma-ni
Cờ trí tuệ chiếu xa
Hay tuôn mưa đại pháp
Đầy đủ nguyện chúng sinh
Giống như vua Chuyển luân
Đầy đủ bảy phước báu
Đi khắp bốn thiên hạ
Oán thù thành bằng hữu
Như Lai vua Chuyển luân
Đầy đủ báu mười Lực
Thu phục bốn chúng ma
Đều về đạo Như Lai
Giống như vua Đế Thích
Chủ trời Tam thập tam
Xếp đặt Thiện pháp đường
Chư Thiên vui mừng thọ
Như Lai trời Đế Thích
Vua đại pháp ba cõi
Yêu thương nhìn các cõi
Ngồi pháp đường Niết-bàn
Khởi mây Từ bi lớn
Mưa xuống pháp cam lồ
Trời người vui thọ nhận
Tu tập đạo Vô thượng.
Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử nói các kệ tụng khen ngợi Đức Phật xong, chắp tay bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Lai có thể vì đại chúng nói về pháp môn hạnh Bồ-tát nhanh chóng trong cảnh giới phương tiện. Vì khi nghe kinh này các chúng sinh có thiện căn ưa tin Đại thừa Vô thượng đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và những chúng sinh tin theo Tiểu thừa thấp kém cũng phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Chúng sinh đã phát tâm lớn đối với Vô thượng Bồ-đề thì có thể tăng trưởng niệm Bồ-đề. Những chúng sinh hạnh thấp kém, thấy hẹp hòi cũng có khả năng phát khởi hạnh lớn, từ bỏ con đường chúng sinh, tiến lên nhận lấy đạo lớn Bồ-đề. Những chúng sinh đã nhận lấy đạo thù thắng Bồ-đề, thì có khả năng đi vào pháp thâm mật trang nghiêm trí tuệ của Như Lai.
Khi ấy, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Pháp thâm mật của các Đức Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri rất khó tin, khó biết, khó hiểu, khó nhận thức, khó suy tính và rất khó thể nhập. Tất cả trời người đều không biết Như Lai dựa vào đâu để nói.
Này Văn-thù-sư-lợi! Như đối với pháp cao xa vi diệu này, nếu có chúng sinh nào thực hành ác hạnh thì không biết pháp này, không hiểu pháp này. Những người phá giới cũng không biết pháp này, không hiểu pháp này. Người thích hạnh Tiểu thừa là không tin pháp này; người phá hoại tâm là không thích pháp này, người bị ác tri thức dẫn dắt là không nhập vào pháp này. Những người không được Thiện tri thức dẫn dắt thì không vào được pháp này. Những chúng sinh nào không được chư Phật giữ gìn là không nghe pháp này. Nếu người không được năng lực Như Lai gia trì mà tin được pháp này thì không có chuyện đó.
Bấy giờ, vì muốn lặp lại nghĩa này, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:
Pháp tử bằng lời hay
Khéo hỏi ta việc này
Nay ông hãy lắng nghe
Ta sẽ nói cho ông
Chúng sinh vô minh che
Chỉ tin hạnh Tiểu thừa
Nghe pháp Đại thừa này
Không tin nên không nói
Nếu trong vô lượng đời
Quá khứ các Đức Phật
Tu hành các hạnh thiện
Thiện căn đã thành thục
Các chúng sinh như thế
Thường được Như Lai hộ
Nghe nói sinh vui mừng
Khéo tin thọ vững chắc
Nếu vì ác tri thức
Như nọc của rắn độc
Từ bỏ Thiện tri thức
Không nghe pháp cam lồ
Ở trong các thắng pháp
Khởi lên tâm phóng dật
Rơi hầm lớn tà kiến
Nghe nói không tin theo
Tâm chúng sinh hẹp hòi
Không thể nhận pháp lớn
Nghe thời sinh bất tín
Khởi lên tâm chê bai
Vĩnh viễn rơi đường ác
Mãi không nghe Phật pháp
Vì kia khởi tâm Từ
Nên ta không nói vội.
Bấy giờ, Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đại chúng trong hội này đều thanh tịnh hoàn toàn, giỏi thực hành các hạnh; có thể cúng dường chư Phật Như Lai, hay phục vụ các Thiện tri thức; khéo tu tập tín căn thanh tịnh; giỏi nhập vào các cảnh giới đại trí tín; khéo thanh tịnh đầy đủ tâm sâu xa, rộng lớn. Đại chúng trong hội này, tất cả đều có khả năng thấy rõ các cảnh giới, có thể biết pháp này và nhận thức được pháp này.
Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin hãy vì tấm lòng khao khát muốn nghe của con và đại chúng mà khéo nói pháp này. Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử nói kệ rằng:
Chúng sinh trong hội này
Trải qua vô lượng kiếp
Ở nơi các Đức Phật
Gieo đầy đủ thiện căn.
Những chúng sinh như vậy
Vào được cảnh giới Phật
Là đầy đủ pháp khí
Nay xin Phật nói mau.
Tất cả đều chiêm ngưỡng
Dung nhan Thầy trời, người
Cung kính chắp tay nhìn
Khát ngưỡng không rời mắt.
Xin Thế Tôn thương đây
Tâm chúng sinh khát ngưỡng
Mưa xuống pháp vi diệu
Khiến sinh mầm pháp thiện.
Nay con thỉnh Như Lai
Vua đại pháp Vô thượng
Xin mở cửa cam lồ
Chuyển xe pháp tối thắng.
Tất cả những chúng sinh
Nếu được nghe Phật thuyết
Sẽ sinh đạo Vô thượng
Pháp cứu cánh Niết-bàn.
Phẩm 3: NHẤT THỪA (Phần 1)
Lúc bấy giờ, sau khi nghe Thánh giả Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử hỏi như thế rồi, Đức Thế Tôn bảo:
–Lành thay, này Pháp vương tử! Lành thay, này Văn-thù-sư-lợi! Nay ông khéo hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri về pháp môn thực hành sâu xa của Bồ-tát. Vì sao? Này Văn-thù-sư-lợi! Vì ông thấy thật nghĩa các pháp bảo đang hiện hữu rõ ràng, không có nghi ngờ, hoàn toàn đạt đến đến bờ kia của Đệ nhất Trí tuệ Ba-la-mật. Nay, vì muốn đem lại lợi ích cho vô số chúng sinh để họ đi vào đạo Vô thượng của Bồ-tát nên mới hỏi điều đó.
Này Văn-thù-sư-lợi! Ông lại có thể vì chúng sinh trong đời vị lai mà đốt lên ngọn đuốc lớn, quét sạch tăm tối nên mới hỏi pháp này.
Hay thay, hay thay, này Văn-thù-sư-lợi! Giờ ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói pháp môn hạnh phương tiện nhanh chóng rốt ráo của Bồ-tát.
Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật:
–Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn thuyết giảng, con rất muốn nghe.
Bấy giờ, các đại chúng Bồ-tát nhất tâm đồng thanh bạch Đức Phật:
–Lành thay, bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn được nghe.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thuyết pháp này, nên bảo đại chúng rằng:
Này các thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thành tựu hoàn toàn mười hai pháp thì có khả năng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Những gì là mười hai pháp?
1. Tự tánh tin pháp Đại thừa, để từ bỏ tâm Tiểu thừa thấp kém nên phát tâm Bồ-đề.
2. Tự tánh thành tựu đại Bi rộng lớn, để muốn đầy đủ các bạch
pháp nên phát tâm Bồ-đề.
3. Tâm ngay thẳng, hạnh căn bản vững chắc, để nhàm chán sinh tử, hướng đến bờ kia nên phát tâm Bồ-đề.
4. Khéo tích tập các công đức, vì muốn tu đầy đủ các hạnh nguyện nên phát tâm Bồ-đề.
5. Khéo cúng dường các Đức Phật, vì muốn phát khởi tốt các bạch pháp nên phát tâm Bồ-đề.
6. Ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, để lìa bỏ tất cả ác hạnh nên phát tâm Bồ-đề.
7. Xa lìa những bạn ác, vì muốn gần gũi những bạn tốt nên phát tâm Bồ-đề.
8. Nghe pháp, rồi y theo pháp tu hành, vì không dối gạt chúng sinh nên phát tâm Bồ-đề.
9. Vì muốn lợi ích cho tất cả, tích chứa của cải nhưng không tham lam keo kiệt nên phát tâm Bồ-đề.
10. Vì được các Đức Phật gia hộ, vì xa lìa các ma oán nên phát tâm Bồ-đề.
11. Đối với những chúng sinh thường khởi lòng Từ bi rộng lớn, có thể xả bỏ tất cả trong ngoài các vật, để xa lìa tánh keo kiệt, đố kî nên phát tâm Bồ-đề.
12. Vì đầy đủ năng lực pháp hành có thể thành tựu các công đức, nên phát tâm Bồ-đề.
Này thiện nam tử! Đó gọi là mười hai pháp vi diệu. Nếu thiện nam hay nữ nào thành tựu được mười hai pháp này mới có thể phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này thiện nam! Lại có mười hai pháp thù thắng, nếu Bồ-tát thành tựu được thì mới gọi là phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Những gì là mười hai?
1. Tâm an ổn, làm cho tất cả chúng sinh được an lạc nên phát tâm Bồ-đề.
2. Tâm thương xót, tức là khi người khác mang đến đến cho mình thêm nhiều điều xấu thì ta hãy nhẫn nhục giúp đỡ họ, chớ sinh ý nghĩ khác, nên phát tâm Bồ-đề.
3. Tâm đại Bi, vì gánh nặng cho chúng sinh nên phát tâm Bồđề.
4. Tâm đại Từ rộng lớn, vì nhổ sạch tất cả khổ đau trong đường ác nên phát tâm Bồ-đề.
5. Tâm thanh tịnh, đối với các thừa khác không sinh tâm thỏa mãn, lạc thú nên phát tâm Bồ-đề.
6. Tâm không nhiễm, vì xa lìa tất cả cấu đục phiền não nên phát tâm Bồ-đề.
7. Tâm trong sáng, vì cầu tự tánh Vô thượng thanh tịnh sáng chiếu nên phát tâm Bồ-đề.
8. Tâm huyễn, có khả năng biết các pháp hoàn toàn không có gì cả nên phát tâm Bồ-đề.
9. Tâm không vật, có thể biết tất cả đều không có sở hữu nên phát tâm Bồ-đề.
10. Tâm vững chắc, đối với trong các pháp không bị lay động nên phát tâm Bồ-đề.
11. Tâm không thoái lui, có thể chứng các pháp hoàn toàn rốt ráo nên phát tâm Bồ-đề.
12. Tâm cứu độ tất cả chúng sinh mà không nhàm chán, theo giáo pháp tu hành nên phát tâm Bồ-đề.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại kệ rằng:
Hỡi các Thiện nam tử
Nếu có chúng sinh nào
Muốn tu các pháp thắng
Thành tựu pháp vô cấu
Ở giữa oán và thân
Tâm Từ bi bình đẳng
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Đã trong vô lượng kiếp
Dẫn dắt ác tri thức
Cúng dường Thiện tri thức
Giữ gìn pháp Bồ-tát
Khởi các hạnh nguyện lớn
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Nghĩ về đời quá khứ
Việc vô lượng ức kiếp
Vững chắc như núi chúa
Tâm siêng năng không chán
Thường tu hành không nghĩ
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Xa lìa các pháp ác
Tâm Từ bi đầy đủ
Tâm an ổn thành tựu
Dạy bảo các chúng sinh
Tất cả các đường thiện
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Nếu có chúng sinh nào
Thấy những bậc Thắng trí
Nghĩ đến đại Bồ-đề
Công đức Vô thượng thắng
Muốn đổi các thừa khác
Tâm sạch không chút uế
Những Bồ-tát như thế
Đúng phát tâm Bồ-đề.
Bồ-tát được tâm tịnh
Lìa hư dối phân biệt
Xem thế gian, Niết-bàn
Bình đẳng không sai khác
Tuy hành hóa chúng sinh
Như thấy cảnh trong gương
Người phát tâm như thế
Thật là tâm Bồ-đề.
Đã lìa lỗi phiền não
Tất cả những trần lao
Trí thanh tịnh hư không
Không bị nhuốm dơ bẩn
Các tướng hằng tịch diệt
Ra khỏi đường ngôn ngữ
Đó gọi tu đầy đủ
Tâm Bồ-đề thanh tịnh.
Những Bồ-tát như thế
Không lâu ngồi đạo tràng
Đắc đại Đà-la-ni
Biện tài không ai bằng
Đủ ba hai tướng quý
Thân tám mươi vẻ đẹp
Được ở trong công đức
Bản tánh của chư Phật.
Lại nữa, này Văn-thù-sư-lợi! Đại Bồ-tát có thể trụ trong công đức thù thắng như thế, thì có mười hai hạnh bố thí vi diệu, có lợi ích lớn mau chóng đến Bồ-đề. Bồ-tát nên thực hành Bố thí Ba-la-mật.
Những gì là mười hai?
1. Bố thí có thể mau chóng tăng trưởng lợi ích, công đức Vô thượng Bồ-đề, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
2. Bố thí được sinh ở nơi giàu có đầy đủ, trong tay tuôn ra vô số của báu, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
3. Bố thí tùy theo lời nguyện sẽ được sinh ở nơi Đế Thích, Phạm thiên, vua và những nhà quyền quý, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
4. Bố thí lìa tất cả lỗi tâm keo kiệt, tham lam, xả bỏ các hữu, không sinh lời nguyện hưởng lạc, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
5. Bố thí có thể xả bỏ sự trói buộc tham đắm ở thế gian, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
6. Bố thí được ra khỏi loài ngạ quỷ, lìa các đường ác, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
7. Bố thí được xa lìa nhiều người cùng với súc vật thế gian, có khả năng đạt được Bồ-đề, không chung cùng với súc vật, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
8. Bố thí được chúng sinh khen ngợi, tâm rất vui mừng, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
9. Bố thí có thể xả bỏ trong ngoài, thực hành theo hạnh Đức Phật, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
10. Bố thí thì đối với trong mọi việc ái dục có thể xa lìa tâm trói buộc, cấu uế, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
11. Bố thí có thể thực hành đầy đủ Bố thí ba-la-mật Vô thượng, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
12. Bố thí có thể thực hành theo lời dạy của Như Lai và thành tựu sở nguyện, cho nên Bồ-tát phải thực hành Bố thí ba-la-mật.
Này thiện nam! Đó là mười hai pháp tu hành Bố thí ba-la-mật, được lợi ích lớn của Đại Bồ-tát, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ tụng khen ngợi Bố thí Ba-la-mật như sau:
Muốn cầu đạo Vô thượng
Tu hành các công đức
Bỏ keo kiệt, tham lam
Bố thí là bậc nhất.
Phật tử hành tâm Xả
Thấy người đến cầu xin
Hãy sinh tâm vui mừng
Tất cả không luyến tiếc
Đất nước và vợ con
Cho đến chức vua trời
Da thịt và tay chân
Đầu mắt các tủy não
Mắt thanh tịnh trong sáng
Cho rồi tâm vui vẻ
Hành tâm xả như thế
Là thí Ba-la-mật,
Tất cả chư Như Lai
Đầy đủ các công đức
Trọn vẹn đạo Niết-bàn
Đều do bố thí vậy!
Cho nên những Phật tử
Muốn cầu đạo Vô thượng
Thường phải tu tâm Xả
Hành Thí ba-la-mật.
Bố thí được Bồ-đề
Không trụ ở thế gian
Cho nên các Bồ-tát
Thường thực hành tâm Xả.
Bố thí hết nghèo khó
Giàu đủ bảy tịnh tài
Hết keo kiệt, ghen ghét
Thanh tịnh Phật Bồ-đề,
Bố thí được đầy đủ
Thành tựu mười tự tại
Cho nên chư Như Lai
Khen ngợi hạnh bố thí.
Bồ-tát thấy lợi này
Được thành Ba-la-mật
Cho nên tu tâm Xả
Bố thí tất cả vật.
Này thiện nam! Bồ-tát lại có mười hai phương pháp trì giới được lợi ích lớn. Bồ-tát nên thực hành Trì giới ba-la-mật.
Mười hai lợi ích của Trì giới ba-la-mật là gì?
1. Trì giới có thể giữ gìn các thiện căn, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
2. Trì giới được vào đạo Bồ-tát, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
3. Trì giới được giải thoát các sự trói buộc của phiền não, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
4. Trì giới có thể vượt qua tất cả các đường ác, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
5. Trì giới có thể dứt hết đau khổ của chúng sinh trong đường ác, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
6. Trì giới thì nghiệp thân, khẩu, ý không bị chư Phật Như Lai quở trách, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
7. Trì giới được chư Phật Như Lai thường khen ngợi, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
8. Trì giới có thể vào trong các cõi nhưng không buông lung, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
9. Trì giới thì đem bố thí cho chúng sinh việc không sợ hãi, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
10. Trì giới được thành tựu nghiệp thiện của thân, miệng và ý, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
11. Trì giới có thể đối với các pháp được tùy thuận tự tại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
12. Trì giới thành tựu nghiệp của Ba-la-mật công đức đến đệ nhất bờ kia, cho nên Bồ-tát phải thực hành Trì giới ba-la-mật.
Này thiện nam tử! Đó là mười hai pháp tu hành Trì giới Ba-la-mật được lợi ích lớn, hồi hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đại Bồ-tát.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ khen ngợi Trì giới Ba-la-mật như sau:
Muốn lìa các sinh tử
An ổn đến Niết-bàn
Tất cả Như Lai nói
Trì giới là đệ nhất.
Giới như ao nước mát
Hay sinh các hoa đẹp
Giới như lửa cháy mạnh
Thiêu đốt những cỏ xấu.
Giới, người khéo hành trì
Như chim bay trên không
Không sợ đạo sinh tử
Trong những nẻo đường ác.
Đường ác rồng độc lớn
Vô minh các La-sát
Thấy người trì tịnh giới
Cung kính bỏ tâm hại,
Tất cả chư Như Lai
An ổn trụ Niết-bàn
Chấm dứt các đường ác
Đều do trì giới vậy.
Vì thế, các Phật tử
Muốn cầu đạo Vô thượng
Giữ vững các gốc thiện
Trì giới ba-la-mật.
Bồ-tát nên tư duy
Sống hoàn toàn theo giới
Cởi bỏ dây phiền não
Đóng cửa những đường ác.
Nếu muốn trì tịnh giới
Phải nên như trâu đen
Vì giữ một chiếc lông
Thà chết không tiếc mạng,
Giữ các nghiệp cũng vậy
Đó chính là trì giới
Như Lai thường khen ngợi
Chỗ cầu được thành tựu.
Người hay trì tịnh giới
Có công đức như vậy
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải giữ tịnh giới,
Thân, khẩu, ý thanh tịnh
Không làm các điều ác
Có thể đến Niết-bàn
Nhất thiết trí hiện tiền.
Trì giới không phóng dật
Các điều thiện vững chắc
Trong pháp được tự tại
Giữ sạch giới chư Phật,
Bồ-tát trì tịnh giới
Xem vật không oán, thân
Bình đẳng với quần sinh
Người thấy không sợ hãi.
Ta sống theo trì giới
Thường tu không phóng dật
Cho nên nay được lìa
Tất cả mọi đường ác,
Đến bờ kia đệ nhất
Như chỗ báu công đức
Vì thế, các Bồ-tát
Thường phải trì tịnh giới.
Bồ-tát nếu muốn cầu
Công đức Bồ-đề Phật
Trì giới như trâu đen
Chánh niệm không buông lung,
Những Bồ-tát như thế
Chính đó là người trí
Mau chóng đến bờ kia
Trụ Bồ-đề quả Phật.
Này thiện nam! Bồ-tát đã tu hành các pháp như thế, lại có mười ba cách quán tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật, được lợi ích lớn. Bồ-tát nên thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
Mười ba lợi ích của Nhẫn nhục ba-la-mật là gì?
1. Hạnh nhẫn tức là nhẫn nại, chịu đựng mọi buồn phiền, có khả năng chứng tất cả pháp không, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
2. Hạnh nhẫn là không thấy có ta bị người khác hại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
3. Hạnh nhẫn là không thấy chúng sinh có kẻ thân người oán, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
4. Hạnh nhẫn là không thấy thân ta, người bị tổn hại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
5. Hạnh nhẫn là khi bị người lăng nhục hay khen ngợi tâm thường không bị dao động, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
6. Hạnh nhẫn có thể đoạn trừ phiền não và các kết sử, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
7. Hạnh nhẫn có thể đoạn trừ sân hận và các kết sử, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
8. Hạnh nhẫn có thể đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
9. Hạnh nhẫn là có khả năng từ bỏ con đường ác, sinh lên cảnh giới Phạm thiên, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
10. Hạnh nhẫn có thể vượt qua các cảnh giới tổn hại, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
11. Hạnh nhẫn có thể chứng đắc được Tận trí và Vô sinh trí, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
12. Hạnh nhẫn có khả năng thu phục tất cả ma ác ở các cảnh giới, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
13. Hạnh nhẫn có khả năng thấy thân Như Lai có vô lượng công đức trang nghiêm, cho nên Bồ-tát phải thực hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
Này thiện nam! Đó là mười ba cách quán chiếu, tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật được lợi ích lớn, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đại Bồ-tát.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền dùng kệ khen ngợi Nhẫn nhục Ba-la-mật như sau:
Muốn vì các chúng sinh
Làm nơi về nương tựa
Khiến sinh tâm không sợ
Nhẫn nhục là đệ nhất.
Người hay hành nhẫn nhục
Người thấy đều vui vẻ
Kẻ thù bỏ tâm ác
Xem nhau là bằng hữu.
Tất cả các Như Lai
Thành tựu tâm bình đẳng
Chỗ chúng sinh nương tựa
Đều do hành nhẫn vậy.
Vì thế, các Phật tử
Muốn cầu đạo Vô thượng
Để mọi loài nương tựa
Nên nhẫn nhục vững chắc.
Nếu Bồ-tát muốn nương
Tất cả Bồ-đề Phật
Nên quán các pháp không
Chúng sinh không thể đắc.
Hành nhẫn nhục như thế
Đầy đủ công Đức Phật
Vì thế, các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Nếu Bồ-tát tu nhẫn
Nên lìa hai biên kiến
Không thấy thân ta, người
Có kẻ mất người được,
Như Lai từ bi lớn
Khen ngợi quán như thế
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Nếu muốn được Tận trí
Diệt các sử phiền não
Tu nhẫn không hèn nhát
Tâm thường không phân biệt.
Quán các pháp như thế
Thành Nhẫn ba-la-mật
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
Bồ-tát muốn trang nghiêm
Tướng tốt thân Như Lai
Lại sinh thế giới Phạm
Ra khỏi các đường ma
Vui hành hạnh nhẫn nhục
Tất cả đều thành tựu
Cho nên các Bồ-tát
Phải nhẫn nhục vững chắc.
Sức nhẫn nhục tối thượng
Không hạnh nào qua được
Tất cả các công đức
Đều trong hạnh nhẫn nhục
Lực bốn ma khó định
Sức nhẫn tiêu diệt nó
Cho nên các Bồ-tát
Thường phải tu nhẫn nhục.
KINH ĐẠI TÁT-GIÀ NI-KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
<<-- --MỤC-LỤC-- -->>
|