KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
QUYỂN 8
Phẩm 20: THÍCH ĐỀ-HOÀN NHÂN
Thích Đề-hoàn Nhân ở trong đại chúng bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật rất thâm diệu, khó rõ khó biết. Người nghe chút ít, người biên chép, người thọ trì, người tu học Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu ấy, họ được công đức có nhiều chăng?
Phật nói với Thích Đề-hoàn Nhân:
–Thế nào, này Câu-dực! Nếu dân chúng ở Diêm-phù-lợi đều tu trì đầy đủ cả mười giới (thập thiện), công đức của họ có nhiều chăng? Đem công đức đó nhân lên trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức vạn lần, nhiều ức vạn lần cũng chẳng bằng thiện nam, thiện nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật này rồi biên chép, thọ trì, tu học.
Bấy giờ trong đại chúng, có một thầy Tỳ-kheo khác hỏi Thích Đề-hoàn Nhân:
–Công đức của thiện nam, thiện nữ này có hơn Câu-dực chăng? Thích Đề-hoàn Nhân đáp:
–Người đó chỉ trong khoảnh khắc phát tâm thôi, công đức cũng còn hơn tôi, huống chi người đó nghe Bát-nhã ba-la-mật rồi biên chép, thọ trì, tu học. Người nghe Bát-nhã ba-la-mật rồi, theo pháp ấy, theo lời dạy ấy mà an trụ thì đều vượt lên trên chư Thiên, A-tu-luân, dân chúng ở thế gian. Họ là bậc cực kỳ tôn quý trong hàng chư Thiên, A-tu-luân, dân chúng ở thế gian. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng những vượt lên trên chư Thiên, Atu-luân, dân chúng ở thế gian mà còn vượt lên trên cả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng những vượt lên trên A-la-hán, Bích-chi-phật mà còn vượt lên trên hàng Bồ-tát hành Bố thí ba-la-mật mà không có Bát-nhã ba-la-mật, không có phương tiện thiện xảo. Chẳng những vượt lên trên Bồ-tát tu Trì giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật nhưng mất Bát-nhã ba-la-mật, mất phương tiện thiện xảo.
Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu như Đại Bồ-tát hành thuần thục Bát-nhã ba-la-mật thì công đức của tất cả chư Thiên, A-tu-luân, nhân dân ở thế gian họp lại cũng không thể hơn công đức của Đại Bồ-tát ấy. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, nếu như trong đó quen kiên trì Bát-nhã ba-la-mật thì Đại Bồ-tát ấy chóng gần trí Nhất thiết trí. Đại Bồ-tát ấy cách danh hiệu Như Lai chẳng xa. Đại Bồ-tát ấy giữ gìn như thế thì cách chỗ ngồi của Phật chẳng xa. Đại Bồ-tát ấy không còn sinh tâm biếng trễ. Đại Bồ-tát học như thế chính là học Phật, chẳng học pháp A-la-hán, chẳng học pháp Bích-chi-phật. Đại Bồ-tát học như thế thì Tứ Thiên vương sẽ qua thăm viếng và nói:
–Hãy mau học pháp ấy thì bốn chúng đệ tử sẽ được độ, sẽ ngồi ở trên tòa Phật, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại Bồ-tát học như thế thường được Tứ Thiên vương đến thăm viếng huống chi các vị Thiên tử khác. Đại Bồ-tát ấy được Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hộ niệm. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì phải hành Như thế. Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật dù ở thế gian gặp lúc bệnh tật khổ đau, nhưng chính bản thân Đại Bồ-tát không hề oán than. Đó là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
A-nan thầm nghĩ: “Ông Thích Đề-hoàn Nhân tự dùng trí của mình nói nay là nhờ oai thần của Phật mà nói.”
Thích Đề-hoàn Nhân biết tâm niệm của A-nan, nên nói với Anan:
–Tôi nhờ oai thần của Phật mà nói.
Đức Phật dạy:
–Đúng thế, này A-nan! Thích Đề-hoàn Nhân nói pháp là nhờ oai thần của Phật đấy!
Này A-nan! Ngay trong lúc đó hoặc Đại Bồ-tát quán niệm sâu sắc Bát-nhã ba-la-mật, hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật, học Bát-nhã ba-la-mật. Bấy giờ đám ma tệ ác trong tam thiên đại thiên thế giới trong lòng chúng đều buồn thảm muốn cùng nhau đến khuấy phá Đại Bồ-tát ấy. Chúng bàn bạc với nhau: “Phải làm gì để cho Bồ-tát ấy ở giữa chừng chấp chặt nơi việc chứng quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật, đừng để cho Bồ-tát ấy thành Phật.”
Phẩm 21: KIÊU NGẠO
Đức Phật bảo A-nan:
–Bồ-tát tùy thời học Bát-nhã ba-la-mật, tùy pháp muốn thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Lúc ấy đám ma tệ ác trong một cõi nước Phật đều kinh hãi, tự nghĩ: “Muốn khiếncho Bồ-tát đời giữa chừng đắc quả A-la-hán, đừng chóng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đừng chóng thành Phật.”
Lại nữa, này A-nan! Đám ma tệ ác sầu thảm lo âu khi thấy Bồ-tát tu thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Bấy giờ đám ma tệ ác phóng hỏa bốn phía để nhằm uy hiếp vị Bồ-tát ấy. Nếu Bồ-tát kinh sợ, lông tóc dựng đứng thì tâm thoái lui, càng thêm loạn niệm.
Đức Phật dạy A-nan:
–Ma chẳng phải làm não loạn mọi Bồ-tát, mà có Bồ-tát bị não loạn, có Bồ-tát không bị não loạn. A-nan bạch Phật:
–Bồ-tát nào bị ma não loạn?
Đức Phật bảo A-nan:
–Nếu Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu mà chẳng thích thì bị ma đến làm não loạn. Lại nữa, này A-nan! Nếu Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu mà tâm hồ nghi tự nghĩ không biết là có hay không có Bát-nhã ba-la-mật, như vậy thì ma có cơ hội làm não loạn Bồ-tát ấy.
Lại nữa, này A-nan! Nếu Bồ-tát xa lìa thầy lành chính là Bồ-tát không muốn nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật, cũng chẳng hiểu, cũng chẳng biết, thì do đâu mà giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, vì thế ma có cơ hội làm não loạn Bồ-tát ấy.
Lại nữa, này A-nan! Nếu Bồ-tát theo làm việc cho thầy ác, do đó đám ma tệ ác có dịp não loạn Bồ-tát ấy. Bồ-tát còn nói:
–Vị này chính là thầy lành, sẽ giúp tôi thành tựu sở nguyện, các vị Bồ-tát khác chẳng phải là người thân thiện với tôi. Vì cớ ấy đám ma tệ ác có dịp não loạn Bồ-tát ấy.
Lại nữa, này A-nan! Khi nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, Bồ-tát dạy Bồ-tát khác: “Dùng pháp này học tập, dùng pháp này biên chép, tôi còn không rõ việc đó, ông có rõ được chăng?” Nếu Bồ-tát này nói lời khinh dễ Bồ-tát khác: “Tôi tu hành đúng, còn ông tu hành sai”, thì lúc ấy đám ma tệ ác vui mừng hớn hở. Ma bèn thay hình đổi dạng đến khen Bồ-tát: “Ông sẽ sinh vào nước nào đó, dòng họ nào đó.” Bồ-tát ấy nghe lời đó rồi thì bèn khinh dễ Bồ-tát khác đã thành tựu hạnh chẳng kiêu mạn. Bồ-tát kiêu ngạo ấy thì công đức ít ỏi, không có tướng trạng không thoái chuyển. Bồ-tát ấy ở trong không thoái chuyển công đức ít, tự kiêu ngạo khinh các Bồ-tát khác: “Ông tu hành chẳng bằng ta.” Vì thế ma tệ ác rất mừng rỡ nói:
–Hiện nay, người bị đọa vào địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ chẳng ít.” Ma tệ ác dùng thần lực trợ giúp khiếncho Bồ-tát ấy nói điều gì cũng được nhiều người dùng. Người nào nghe qua cũng đều tuân theo, nhưng những người học theo lời dạy đó thì càng thêm giận hờn, tâm sinh điên đảo, vì thế việc làm của ba nghiệp thân, khẩu, ý trái ngược nhau. Do đó, người ấy càng thêm tội ở chốn địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ. Vì vậy, ma tệ ác rất vui mừng hớn hở vô cùng.
Nếu người cầu đạo Bồ-tát tranh cãi với người cầu đạo A-la-hán, lúc ấy, ma tệ ác thầm nghĩ: “Bồ-tát lìa trí Nhất thiết trí, dù xa lìa mà xa cũng chẳng phải là rất xa.” Bồ-tát lại cùng với Bồ-tát tranh cãi, lúc ấy ma tệ ác thầm nghĩ: “Cả hai Bồ-tát ấy lìa Phật rất xa.”
Đức Phật bảo A-nan:
–Bồ-tát chưa đắc quả vị không thoái chuyển tranh cãi với Bồ-tát không thoái chuyển, mắng chửi Bồ-tát không thoái chuyển. Bồ-tát ấy mắng chửi rồi theo điều tâm đã nghĩ mà càng thêm giận hờn, tùy theo mỗi niệm là một kiếp. Bồ-tát tuy có niệm ác nhưng chẳng xả bỏ trí Nhất thiết trí thì qua vô số kiếp tận đời vị lai mới phát tâm lại.
A-nan bạch Phật:
–Tâm khởi niệm ác có thể ở trong đó sám hối được chăng? Hay phải trải qua số kiếp Như thế?
Đức Phật dạy A-nan:
–Ở trong pháp của ta, tội cực kỳ lớn lao cũng được sám hối.
Đức Phật dạy tiếp:
–Nếu Bồ-tát niệm ác, có giận hờn, tự thích thú còn khoe với người khác nữa, thì Bồ-tát ấy không còn khiếncho sám hối được.
Nếu có Bồ-tát đã chửi mắng, giận hờn nhưng tự nghĩ: “Ôi điều ta đã làm là không tốt, sau này ta không dám làm như vậy nữa.” Rồi tự trách một cách nghiêm khắc rằng: “Sinh được làm người là khó, vì thế ta phải nhường nhịn người huống chi lại đi tranh cãi với người. Ta phải làm cây cầu cho mọi người khắp mười phương dẫm đạp lên ta mà đi qua. Ta đã có ý này thì đâu còn lòng dạ nào tranh cãi với người. Đứng yên như con dê điếc, các điều hung ác ập đến, ta đều nhẫn nhịn, tâm không phạm các điều ác. Lúc ta thành Phật sẽ đưa mọi người ở khắp mười phương an trụ nơi Bát-nê-hoàn. Ta không còn tranh cãi, giận hờn với người khác, do vì họ dùng đạo A-la-hán.” A-nan bạch Phật:
–Phép tắc của Bồ-tát ở chung với Bồ-tát là như thế nào?
Đức Phật bảo A-nan:
–Bồ-tát với Bồ-tát phải coi nhau như Phật, tâm nghĩ: “Chúng ta cùng chung một thầy, chung một thuyền, chung một đường. Pháp Bồ-tát ấy học, ta cũng phải học. Như vậy, nếu có các Bồ-tát khác muốn thích học đạo A-la-hán, Bích-chi-phật hoặc cùng họ làm việc. Nếu có người như thế thì ta không nên làm việc với họ. Còn như nếu có người đời muốn cầu Phật đạo thì ta phải theo họ học, nghĩa là cùng học chung một pháp.
Phẩm 22: HỌC
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bồ-tát học vô thường là học trí Nhất thiết trí chăng? Học vô sở sinh là học trí Nhất thiết trí chăng? Học lìa bỏ dâm là học trí Nhất thiết trí chăng?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Như lời ông hỏi: “Người học vô thường là học trí Nhất thiết trí?” Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, Như Lai bổn vô tùy nhân duyên chứng đắc Như Lai, danh tự “bổn vô” có lúc tận chăng?
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Không có lúc tận.
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Học như thế là học Bát-nhã ba-la-mật, học như thế là học Như Lai địa, là học mười Lực, là học bốn Vô sở úy, là học các pháp của Phật. Bồ-tát học như thế là hành hết các pháp. Đại Bồ-tát học như thế thì ma và bè đảng của ma không thể ở giữa chừng phá hoại được. Bồ-tát học như thế thì chóng được không thoái chuyển. Bồ-tát học như thế thì mau gần thành Phật. Bồ-tát học như thế là học hết Phật đạo. Bồ-tát học như thế là học tập pháp. Bồ-tát học như thế là Từ bi rất lớn. Bồ-tát học như thế là học tâm bình đẳng. Bồ-tát học như thế là chuyển ba hợp mười hai pháp luân. Bồ-tát học như thế là học diệt độ mọi người ở khắp mười phương. Bồ-tát học như vậy là học pháp môn cam lộ.
Đức Phật nói tiếp:
–Người không lười biếng mới có thể học được Như thế. Học như thế là học ở trong loài người khắp cả mười phương. Bồ-tát học như thế thì không bị đọa vào các chỗ địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ. Bồ-tát học như thế nhất định chẳng sinh nơi biên địa. Học như thế chẳng còn sinh vào trong hạng ngu si bần cùng. Học như thế thì không còn bị đui điếc câm ngọng. Học như thế là chẳng phá hủy mười giới (thập thiện). Học như thế là chẳng theo bói toán giải trừ vận hạn. Học như thế là xa lìa người chẳng trì giới. Bồ-tát học như thế thì chẳng nguyện sinh lên cõi trời Trường thọ. Vì sao? Vì Bồ-tát có phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật. Thế nào là phương tiện thiện xảo? Từ trong Bát-nhã ba-la-mật sinh ra phương tiện thiện xảo, dùng oai thần của phương tiện thiện xảo nhập thiền mà chẳng tùy theo pháp thiền. Bồ-tát học như thế thì được sức thanh tịnh, được sức vô sở úy, được sức thanh tịnh của Phật pháp.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Các pháp của Phật vốn đều thanh tịnh. Thế nào là Bồ-tát được pháp thanh tịnh?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Bồ-tát học như thế là học pháp thanh tịnh vô sở đắc. Các pháp thanh tịnh, Đúng thế, này Tu-bồ-đề! Lúc Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà chẳng hối tiếc chẳng chán nản thì chính là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Người chưa đắc đạo ngu si chẳng hiểu pháp ấy, chẳng thấy việc ấy. Bồ-tát vì mọi người nên thường tinh tấn. “Mọi người thấy ta cũng sẽ bắt chước ta mà tinh tấn.” Vì thế Bồ-tát được sức tinh tấn vô sở úy. Bồ-tát học như thế thì biết hết tâm niệm của mọi người trong thiên hạ ở khắp mười phương, không có ai có thể hơn được.
Ví như trên quả đất này ít có chỗ khai thác được vàng bạc. Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Ít có người tu học theo lời dạy của pháp Bát-nhã ba-la-mật.
Ví như ít có người tìm được xứ sở của Chuyển luân vương mà phần nhiều tìm thấy xứ sở của tiểu quốc vương. Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Ít có người tu học theo lời dạy của pháp Bát-nhã ba-la-mật, mà phần nhiều họ tìm cầu quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật. Có Bồ-tát mới phát tâm nhưng ít có người tu học theo lời dạy của Bát-nhã ba-la-mật. Đã có Bồ-tát tu học Bát-nhã ba-la-mật nhưng ít có người được không thoái chuyển. Bồ-tát phải nghĩ như vầy: “Ta phải nỗ lực tu học để đạt đến không thoái chuyển.”
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng giận hờn người khác, chẳng tìm điều dỡ của người, tâm không bỏn sẻn, tham lam, tâm không phá giới, tâm không hờn giận, tâm không biếng nhác, tâm không mê loạn, tâm không ngu si. Lúc Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật thì các Ba-la-mật khác đều nằm ở trong đó. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật là soi sáng các Ba-la-mật vì đều nhập vào các Ba-la-mật. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật là đầy đủ các Ba-la-mật khác. Ví như có người nói sáu mươi hai kiến chấp bên ngoài đều thuộc thân kiến (ngã sở). Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật thì bao gồm hết các Ba-la-mật khác. Này Tu-bồ-đề, ví như lúc người chết mạng tận, các căn đều hoại diệt. Cũng vậy, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật thì gồm hết các Ba-la-mật khác. Bồ-tát muốn học hết các Ba-la-mật thì cần phải học Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật là học vô cực. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, số người ở trong một cõi nước Phật có nhiều không?
Tu-bồ-đề đáp:
–Rất nhiều!
Đức Phật dạy:
–Nếu có Bồ-tát suốt đời cúng dường tất cả mọi người như thế trong một cõi Phật thì phước của Bồ-tát ấy có nhiều chăng?
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Rất nhiều!
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Phước đức ấy chẳng bằng phước đức của Bồ-tát thọ trì Bát-nhã ba-la-mật trong khoảnh khắc búng ngón tay.
Đức Phật dạy tiếp:
–Bát-nhã ba-la-mật cực kỳ tôn quý, nhờ pháp này mà chóng được thành Phật. Này Tu-bồ-đề! Như vậy Bồ-tát muốn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm Đấng tôn quý bậc nhất trong mọi người ở khắp mười phương, cấp thí cho mọi người nghèo nàn ở khắp mười phương. Bồ-tát muốn cầu cảnh giới Phật, ưa thích muốn được trí tuệ Phật, muốn thuyết pháp được như sư tử rống, muốn được đến chỗ Phật. Bồ-tát muốn được tất cả các điều kể trên thì phải học Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật là học tất cả các pháp khác.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bồ-tát có còn phải học pháp A-la-hán nữa không?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Tuy biết pháp A-la-hán, nhưng Bồ-tát không thích, không học. Công đức do A-la-hán tạo tác, thì đâu cần phải đắc! Bồ-tát tuy biết hết các việc tu hành của A-la-hán nhưng không học, không hành, không trụ trong pháp ấy. Bồ-tát học như thế thì mọi người trong thiên hạ không ai hơn được, vượt lên trên cả A-la-hán, Bích-chi-phật. Bồ-tát học như thế là gần với trí Nhất thiết trí. Bồ-tát học như thế là chẳng lìa Bát-nhã ba-la-mật, là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát học như thế là ở trong pháp trí Nhất thiết trí chẳng thêm chẳng giảm, lìa đạo A-la-hán, Bích-chi-phật. Bồ-tát nếu lại nghĩ rằng: “Thọ trì Bát-nhã ba-la-mật này sẽ đắc trí Nhất thiết trí”. Có một chút xíu tư tưởng ấy thì tức là chẳng thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Thực hành Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng nghĩ tưởng đến Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát phải duy trì được trí Nhất thiết trí, cũng không niệm, cũng không thấy, cũng không có sở tưởng. Đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
Phẩm 23: GIỮ GÌN VÀ HÀNH TRÌ
Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân đang ngồi trong pháp hội, thầm nghĩ: “Bồ-tát đang thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà người trong thiên hạ ở khắp mười phương không ai hơn được huống chi là tự tiến đến quả Phật! Được sinh vào trong loài người ở trong mười phương là khó, đã được sống lâu an ổn mà có một người phát tâm tu hành Phật đạo là khó, hà huống chí tâm tu hành Phật đạo! Người làm kẻ đứng đầu dẫn dắt mọi người trong thiên hạ ở khắp mười phương, khó có được người Như thế.”
Lúc ấy Thích Đề-hoàn Nhân biến hóa ra hoa Văn-đà-la rải lên trên Đức Phật. Rải hoa xong nói:
–Người hành đạo Bồ-tát là người hướng đến Phật đạo thì sở nguyện chắc chắn thành tựu. Tôi sẽ ở bên cạnh ủng hộ người tu hạnh này vì họ chắc chắn thành Phật. Các pháp nói trong kinh như pháp trí Nhất thiết trí, pháp Như Lai thảy đều đầy đủ, pháp không thoái chuyển cũng vậy.
Thích Đề-hoàn Nhân nói:
–Người có lòng chí thành cầu Phật đạo, một khi nghĩ nhớ đến pháp Bát-nhã ba-la-mật này thì không bao giờ xa lìa Phật đạo.
Thích Đề-hoàn Nhân nói tiếp:
–Tôi muốn cho người trong pháp này càng nghĩ nhớ chẳng chán nỗi khổ sinh tử. Tất cả thế gian đều khổ, họ vì mọi người cho nên phải tu các hạnh khổ khó làm, tâm nghĩ: “Những người chưa độ, ta cần phải độ họ, những người chưa giải thoát, ta cần phải giải thoát cho họ. Những người sợ hãi, ta cần phải làm cho họ an ổn. Những người chưa Bát-nê-hoàn, phải làm cho họ đều Bát-nê-hoàn.” Thích Đề-hoàn Nhân hỏi Phật:
–Người tùy hỷ công đức Bồ-tát mới phát tâm thì được bao nhiêu phước? Người tùy hỷ công đức đang theo các giai vị tiến lên thì được bao nhiêu phước? Người tùy hỷ công đức Bồ-tát không thoái chuyển cho đến Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì được bao nhiêu phước?
Đức Phật nói với Thích Đề-hoàn Nhân:
–Cân núi Tu-di còn có thể biết được trọng lượng, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát mới phát tâm thì không thể cân lường.
Một cõi nước Phật (tam thiên đại thiên thế giới) còn có thể cân lường, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát đang theo các giai vị tiến lên thì không có hạn lượng.
Lấy một phần trăm sợi tóc nhúng cho cạn hết biển cả trong một cõi nước Phật, còn có thể đếm được số giọt nước trên đầu sợi tóc ấy, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát không thoái chuyển thì không thể đếm được.
Lấy một hộc, nửa hộc, một đấu, nửa đấu, một thăng, nửa thăng đem đong lường hư không của vô số cõi nước Phật còn có thể đong biết hư không là bao nhiêu, còn phước của người tùy hỷ công đức Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ thì không cùng tận.
Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
–Người bị ma làm mê loạn nghe pháp này thì không tùy hỷ. Người thuộc bè đảng ma nghe pháp này thì không tùy hỷ. Người từ cung ma trên trời xuống đây nghe pháp này thì không tùy hỷ. Vì sao? Vì người này dù có phát tâm cầu Phật đạo, nhưng trong lòng vẫn còn mang cảnh giới của ma. Cho nên phải tùy hỷ công đức đối với người phát tâm cầu Phật đạo, dù người ấy trong lòng còn mang cảnh giới ma, phải tùy hỷ công đức đối với người mà tâm chẳng lìa Phật, chẳng lìa Kinh, chẳng lìa Tỳ-kheo Tăng.
Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân:
–Đúng như lời Thích Đề-hoàn Nhân đã nói, người tùy hỷ công đức thì gần với Phật. Nhờ công đức tùy hỷ ấy mà đời đời sinh ra chỗ nào cũng được mọi người muốn cúng dường không khi nào nghe lời nói xấu, chẳng sợ bị đọa vào đường ác, thường sinh lên trời, thường được mọi người tôn trọng. Vì sao? Vì người này tùy hỷ công đức Bồ-tát, vì người này hay ủng hộ mọi người. Vì sao? Vì Bồ-tát mới phát tâm tiến tu dần dần đến quả vị Phật, thành Phật rồi sẽ độ thoát mọi người trong thiên hạ ở khắp mười phương.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Tâm như huyễn thì do đâu mà được thành Phật?
Đức Phật hỏi Tu-bồ-đề:
–Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, ông có thấy huyễn chăng?
Tu-bồ-đề đáp:
–Con chẳng thấy?
Đức Phật hỏi:
–Huyễn hóa cũng chẳng thấy. Tâm huyễn lìa, huyễn hóa lìa. Tâm huyễn tuy lìa, nhưng thấy pháp khác thì sẽ đắc Phật đạo chăng? Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Không!
Phật dạy:
–Thấy cũng chẳng lìa huyễn hóa. Lìa tâm huyễn cũng chẳng thấy sẽ đắc Phật đạo, cũng không có pháp, cũng không có thấy thì sẽ nói pháp này là đắc hay không đắc? Pháp ấy vốn không có xa lìa, cũng vốn không có đắc hay không đắc, vốn không sinh, cũng không có người thành Phật. Giả sử không có pháp thì cũng không được thành Phật.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Giả sử Như thế, Bát-nhã ba-la-mật lìa gốc (rốt ráo lìa, hoàn toàn lìa) thì không có pháp đối đãi. Lìa gốc thì không có đối đãi, không có chứng đắc, cũng không có giữ gìn, cũng không có tu hành, cũng không có pháp sẽ được chứng đắc. Vì sao? Vì lìa Bát-nhã ba-la-mật vốn không có hình tướng, vốn không xa lìa thì tại sao phải ở trong Bát-nhã ba-la-mật mà đắc Phật đạo? Phật thì lìa gốc, không có sở hữu. Đã không có sở hữu thì làm sao mà được thành Phật.
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Như lời Tôn giả nói vừa rồi, lìa gốc thì không có Bát-nhã ba-la-mật, lìa gốc thì không có trí Nhất thiết trí.
Đức Phật nói tiếp:
–Tuy biết lìa gốc thì Bát-nhã ba-la-mật vốn cũng không từ đâu sinh ra. Tôn giả phải suy nghĩ như vầy: “Thâm nhập, giữ gìn pháp ấy thì lìa gốc, không có sở hữu, nên được thành Phật.” Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Tuy biết lìa gốc thì không có Bát-nhã ba-la-mật, đó là chẳng giữ gìn Bát-nhã ba-la-mật, nhưng người chẳng hành đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng được thành Phật.
Đức Phật dạy:
–Như lời Tu-bồ-đề đã nói, vì chẳng chấp nơi việc chứng đắc Bát-nhã ba-la-mật nên được thành Phật, cũng chẳng do lìa hay không lìa Bát-nhã ba-la-mật mà được thành Phật, cũng chẳng thể lìa Bát-nhã ba-la-mật mà được thành Phật. Người chẳng đắc Bát-nhã ba-la-mật thì chẳng được thành Phật.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu thật là hy hữu.
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Ông đã nói: “Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu thật là hy hữu.” Còn Bồ-tát thì nói: “Siêng tu hạnh khổ khó làm, siêng tu pháp thâm diệu nhưng chẳng phải vì muốn chứng Nêhoàn.”
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nói Như thế, Bồ-tát chẳng cho là mình siêng tu hạnh khổ khó làm. Vì sao? Vì không có người chứng, cũng không có Bát-nhã ba-la-mật được chứng, cũng không có kinh pháp được chứng. Bồ-tát nào nghe nói như thế mà không lo, không sợ, không chán, không ghét thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Tuy hành như thế mà chẳng thấy hành, đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Tuy gần Phật mà cũng chẳng thấy, đó thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Tuy xa lìa A-la-hán, Bích-chi-phật mà cũng chẳng thấy, cũng chẳng nghĩ, đó là thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
Ví như hư không chẳng nghĩ là hoặc có gần, hoặc có xa. Vì sao? Vì hư không vốn không có hình tướng. Thực hành Bát-nhã ba-la-mật không có cách Phật gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng.
Ví như nhà ảo thuật làm ra hóa nhân. Người được biến hóa ra ấy chẳng nghĩ là nhà ảo thuật cách ta gần hay cách ta xa. Vì sao? Vì người được biến hóa ra ấy không có hình tướng. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật chẳng nghĩ các quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật cách ta xa, Phật đạo cách ta gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng.
Ví như bóng hiện trong nước chẳng nghĩ do đâu mà bóng hiện trong nước. Nếu người ở gần cũng chẳng nghĩ là gần, nếu người ở xa cũng chẳng nghĩ là xa. Vì sao? Vì bóng không có hình tướng. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật cũng không nghĩ là quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật là xa, Phật đạo là gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng. Bát-nhã ba-la-mật vừa không yêu, vừa không ghét. Đức tánh của Như Lai không nơi chấp trước, không chỗ xuất sinh. Bát-nhã ba-la-mật cũng vậy, cũng không sở sinh, vô sở trước.
Ví như Đức Như Lai biến hóa ra người. Người được biến hóa ra ấy chẳng nghĩ rằng các quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật cách ta xa, cũng chẳng nói Phật đạo cách ta gần. Vì sao? Vì người được biến hóa ra ấy không có hình tướng. Bát-nhã ba-la-mật cũng chẳng nghĩ quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật cách ta xa, cũng chẳng nghĩ Phật đạo cách ta gần. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hình tướng.
Ví như người thợ thông minh chễ tạo ra người máy. Người máy chẳng thể tự hoạt động, mà do được điều khiển. Người máy không nghĩ rằng: “Ta phải cử động co duỗi, cúi ngước để cho người tham quan hoan nghênh”. Vì sao? Vì người máy vốn không có ý nghĩ. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật tùy theo người tu hành mà mỗi người tự chứng đắc. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có hình tướng, cũng không có niệm phân biệt.
Ví như thuyền to được đóng để đưa các khách buôn vượt biển, thuyền cũng không nghĩ: “Ta phải đưa khách qua biển”. Vì sao? Vì thuyền vốn không có ý nghĩ. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật tùy theo người tu hành mà mỗi người tự chứng đắc. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có hình tướng, cũng không có niệm phân biệt.
Ví như đất đai đồng nội sinh ra vạn vật cây cỏ, trăm giống lúa, nhưng đất cũng không nghĩ: “Ta phải sinh hay không sinh.” Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các kinh pháp mà chẳng nghĩ: “Từ trong ta sinh ra hay không sinh ra”. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật vốn không có hình tướng.
Ví như châu ma-ni sinh ra các châu báu khác, Bát-nhã ba-la-mật sinh ra các kinh pháp khác để truyền dạy. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.
Ví như mặt trời chiếu khắp bốn châu thiên hạ, nhưng ánh sáng của nó không nghĩ: “Ta phải chiếu khắp”. Bát-nhã ba-la-mật chiếu soi hết các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.
Ví như nước chảy không đâu không tới, nhưng nước không nghĩ: “Ta phải có chỗ chảy tới”. Bát-nhã ba-la-mật đến với các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.
Ví như gió không đâu không tới, nhưng gió cũng không nghĩ: “Ta phải có chỗ tới”. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật thành tựu các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.
Ví như đỉnh núi Tu-di dùng trời Đao-lợi làm trang sức, nhưng núi Tu-di cũng không nghĩ: “Trên đỉnh ta phải dùng trời Đao-lợi để trang sức”. Bát-nhã ba-la-mật thành tựu trí Nhất thiết trí. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.
Ví như biển cả sinh ra hầu hết các báu vật trân kỳ, nhưng biển cả chẳng nghĩ: “Ta phải sinh ra các thứ trân bảo”. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật sinh ra tất cả các kinh pháp. Tuy vậy, nhưng Bát-nhã ba-la-mật cũng không có niệm phân biệt.
Ví như Đức Phật sinh ra các công đức, đem tâm bình đẳng che chở mọi người khắp cả mười phương. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật thành tựu đối với các kinh pháp.
Phẩm 24: CƯỜNG NHƯỢC
Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề:
–Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là cao hạnh chăng?
Tu-bồ-đề đáp:
–Tôi được nghe Đức Phật nói Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật là chẳng phải cao hạnh.
Ngần ấy trăm ngàn chư Thiên cõi Dục suy nghĩ: “Chúng ta phải đảnh lễ các vị phát tâm tu hành đạo Bồ-tát ở khắp mười phương. Vì sao? Vì các vị Bồ-tát ấy thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng giữa chừng Bát-nê-hoàn. Các vị Bồ-tát ấy tu hạnh khổ khó làm, chẳng ở trong pháp này giữa chừng rơi vào sự chấp chặt việc chứng đắc.”
Tu-bồ-đề nói với chư Thiên:
–Tuy chẳng giữa chừng rơi vào sự chấp chặt việc chứng đắc và chẳng cho đó là hạnh khổ khó làm, nhưng Bồ-tát vẫn siêng năng vì vô số không thể kể xiết người mà mặc áo giáp đại công đức độ họ được Bát-nê-hoàn mới là hạnh khổ khó làm. Người được độ thì vốn không, vốn không thì chẳng thật có. Bồ-tát ấy nghĩ rằng: “Vì muốn độ người, độ mọi người, vì muốn độ không.” Vì sao? Vì không cũng không có xa, cũng không có gần, cũng không thật có. Vì thế nên Bồ-tát siêng tu hạnh khổ khó làm. Bồ-tát tìm người vốn không có, muốn độ người là độ hư không, mặc áo giáp đại công đức là vì người. Bồ-tát mặc áo giáp đại công đức muốn qua độ người, thế nên Bồ-tát vì mọi người mà mặc áo giáp đại công đức. Như lời Phật dạy, người không có gốc, biết rõ người không thật có, đó là độ người. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không kinh, không sợ thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Lìa người vì vốn không có người; lìa sắc vì vốn không có sắc; lìa thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức vì vốn không có thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức; lìa các kinh pháp vì vốn không có các kinh pháp. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không sợ hãi, không biếng nhác thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật hỏi Tu-bồ-đề:
–Vì sao Bồ-tát không sợ hãi, không biếng nhác?
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Vì vốn không nên không sợ hãi, vì vốn tịnh nên không biếng nhác. Vì sao? Vì tìm sự biếng nhác vốn không có, nguyên nhân biếng nhác cũng không có. Bồ-tát nào nghe lời nói này mà không sợ hãi, không biếng nhác thì đó là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Lúc Bồ-tát hành pháp ấy thì được chư Thiên kính lễ, các Phạm thiên đều kính lễ.
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Chẳng những chư Thiên, các Phạm thiên kính lễ Bồ-tát ấy mà cả đến chư Thiên các cõi trời Cực quang tịnh, Biến tịnh, Quảng quả thậm chí chư Thiên cõi trời Sắc cứu cánh cũng đều kính lễ vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Vô số không thể kể xiết chư Phật hiện tại ở khắp mười phương đều hộ niệm Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, biết là Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chẳng thoái chuyển. Giả sử mọi người trong số cõi nước Phật nhiều như số cát sông Hằng thảy đều là ma, mỗi ma đều biến hóa ra số người nhiều như số cát sông Hằng làm bè đảng. Giả sử số ma ấy và số bè đảng của chúng muốn cùng nhau hại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì chúng cũng chẳng thể hại Bồ-tát ở giữa chừng, cũng chẳng thể khuấy nhiễu ở giữa chừng.
Bồ-tát có hai pháp thì thực hành Bát-nhã ba-la-mật ở giữa chừng đám ma đó không thể khuấy nhiễu. Hai pháp ấy là gì? Một là thấy các kinh pháp đều không, hai là chẳng bỏ mọi người ở khắp mười phương, trái lại còn ủng hộ họ. Đó là hai pháp.
Bồ-tát có hai pháp khiếnma chẳng thể làm động. Hai pháp ấy là gì? Một là chẳng quên mất bản nguyện, hai là được chư Phật ở khắp mười phương hộ niệm. Đó là hai pháp.
Lúc Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chư Thiên đến chỗ Bồ-tát thưa hỏi về kinh pháp sâu xa. Chư Thiên ngợi khen Bồ-tát: “Hôm nay Bồ-tát tu theo giáo pháp này thì chẳng bao lâu sẽ thành Phật. Người tu theo giáo pháp này thì cứu hộ được những kẻ khốn khổ cần được cứu hộ, làm chỗ nương tựa cho kẻ chưa có chỗ nương tựa. Bồ-tát vì mọi người mà làm ngôi nhà chánh pháp, làm cho kẻ không có mắt thì có được mắt sáng. Bồ-tát theo Bát-nhã ba-la-mật tu hành theo pháp này thì được vô số không thể kể xiết chư Phật hiện tại ở khắp mười phương ủng hộ. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thì được các Đức Phật nói công đức của họ cho bốn bộ chúng đệ tử trong cõi nước của mình nghe.” Các Đức Phật đều ngợi khen Bồ-tát ấy.
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Ví như hôm nay ta khen ngợi Đức Phật La-lân-na Trượng-na.
Đức Phật còn nói:
–Các Bồ-tát hôm nay đang thực hành Bát-nhã ba-la-mật trong cõi nước ta, các Đức Phật ở khắp mười phương hôm nay cũng đang ngợi khen Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng giống Như thế.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Chư Phật đều ngợi khen các Bồ-tát như thế chăng?
Phật dạy:
–Chư Phật ngợi khen chẳng hết lời!
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Có người hành đạo Bồ-tát chưa được không thoái chuyển, chư Phật cũng còn ngợi khen.
Tu-bồ-đề hỏi Phật:
–Những ai là người hành đạo Bồ-tát được Phật khen ngợi?
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Có Bồ-tát đời trước theo Phật A-súc lúc Phật làm Bồ-tát tu hành và có Bồ-tát đời trước theo Phật La-lân-na Trượng-na lúc Phật làm Bồ-tát tu hành. Có Bồ-tát theo lời dạy đó, vì thế chư Phật ở khắp mười phương ngợi khen Bồ-tát ấy.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật tin các pháp vốn không từ đâu sinh ra. Bồ-tát ấy vẫn còn chưa đắc pháp lạc Vô sở tùng sinh. Ở trong đó xây dựng niềm tin các pháp vốn không, Bồ-tát ấy tuy chưa được không thoái chuyển nhưng tin các pháp vốn không, như Nê-hoàn. Bồ-tát ấy tuy chưa được vào quả vị không thoái chuyển nhưng tu hành theo giáo pháp này thì sẽ mau chóng được không thoái chuyển. Có Bồ-tát hành theo pháp này vì thế chư Phật ở khắp mười phương cùng nhau ngợi khen Bồ-tát ấy. Bồ-tát vì độ người ở quả vị của đạo A-la-hán, Bích-chi-phật để họ hướng đến Phật đạo. Nếu có Bồ-tát hành theo Bát-nhã ba-la-mật được chư Phật ngợi khen thì biết rằng Bồ-tát ấy chẳng bao lâu sẽ đứng vào quả vị không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, tin, không hồ nghi. Bồ-tát nghĩ: “Như điều Phật đã nói thì chắc chắc không khác” thì Bồ-tát ấy về sau sẽ được ở chỗ Đức Phật A-súc nghe Bát-nhã ba-la-mật và điều các Bồ-tát khác được nghe cũng giống vậy. Bồ-tát tin Bát-nhã ba-la-mật như thế là đã đứng vào quả vị không thoái chuyển. Nếu có người nghe Bát-nhã ba-la-mật mà tin thì phước đức đó rất lớn, hà huống Bồ-tát tu hành theo giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật. Người tu hành theo giáo pháp này thì chóng nhập vào trí Nhất thiết trí.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Giả sử lìa ngay nơi pháp vốn không thì chẳng có pháp để đắc, vậy thì do pháp nào mà có người thành Phật? Do pháp nào mà nói có người thuyết kinh?
Đức Phật dạy:
–Nếu như lìa ngay nơi pháp vốn không thì chẳng có pháp nào để đắc được, vậy thì do pháp nào mà có người thành Phật? Cũng không có người nói kinh pháp! Pháp vốn không đó vốn là không thì làm sao ở trong pháp vốn không mà kiến lập người không, tu pháp vốn không để đắc thành Phật đạo, cũng không có bổn pháp để có người thành Phật. Pháp vốn không không có, người thuyết kinh cũng chẳng thật có.
Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
–Bát-nhã ba-la-mật rất sâu, Bồ-tát siêng tu hạnh khổ khó làm mới được thành Phật. Vì sao? Vì không có tên gọi của pháp không sở đắc được xác lập ở trong pháp vốn không, cũng không có pháp sẽ thành Phật, cũng không có người thuyết kinh. Bồ-tát nghe lời nói này thì không kinh, không sợ, không nghi, không chán.
Tu-bồ-đề nói với Thích Đề-hoàn Nhân:
–Như lời Thích Đề-hoàn Nhân nói: Bồ-tát siêng năng tu hạnh khổ khó làm nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, tin, không nghi, không chán.
Tu-bồ-đề bảo Thích Đề-hoàn Nhân:
–Này Câu-dực! Các kinh pháp đều không, tại sao có hoài nghi, chán ghét?
Thích Đề-hoàn Nhân nói với Tu-bồ-đề:
–Như Tôn giả Tu-bồ-đề nói: Tất cả pháp nói là không thì đều không dính mắc. Ví như bắn tên vào hư không thì không dính mắc. Tôn giả Tu-bồ-đề thuyết kinh cũng vậy, hoàn toàn không dính mắc.
Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
–Như lời con đã nói phải chăng là vâng theo lời dạy của pháp do Phật nói chăng? Có thêm bớt gì không?
Đức Phật nói với Thích Đề-hoàn Nhân:
–Này Câu-dực! Giáo pháp của Phật nói ra đều như nhau không khác. Như lời Tôn giả Tu-bồ-đề nói là chỉ nói về pháp không. Tu-bồ-đề cũng chẳng thấy pháp Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy người thực hành Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy người được thành Phật, cũng không thấy trí Nhất thiết trí, cũng không thấy người đắc trí Nhất thiết trí, cũng không thấy Như Lai, cũng không có người đắc Như Lai, cũng không thấy có pháp Vô sở tùng sinh, cũng không thấy có người chứng đắc Vô sở tùng sinh, cũng không thấy mười Lực, cũng không thấy bốn Vô sở úy, cũng không thấy người cầu bốn Vô sở úy.
Kinh pháp vốn tịnh cũng không sở đắc. Tu-bồ-đề tu hành theo lời dạy vô sở đắc. Như vậy, tuy Tu-bồ-đề là người tu hành theo lời dạy vô sở đắc nhưng vẫn không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần vạn công đức của vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật trừ quả vị Phật đạo ra thì quả vị của đạo A-la-hán, Bích-chi-phật không thể nào bằng quả vị của đạo Bồ-tát ấy. Bồ-tát là người được mọi người trong thiên hạ đặc biệt tôn kính. Ông cần phải hành theo giáo pháp của Phật.
Bấy giờ mấy ngàn vạn Thiên tử của cõi trời Đao-lợi cầm hoa Văn-đà-la được biến hóa ra, rải lên trên Đức Phật. Rải hoa rồi, chư Thiên thưa:
–Chúng con cũng phải hành đúng theo giáo pháp.
Trong pháp hội, một trăm sáu mươi thầy Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa lại y phục rồi đảnh lễ Phật. Đảnh lễ xong, trong tay mỗi thầy đều có hoa Văn-đà-la được biến hóa ra, đem hoa này rải lên trên Đức Phật. Rải hoa xong, các thầy đều nói:
–Chúng con cũng phải hành theo giáo pháp.
Lúc ấy Đức Phật mỉm cười, từ miệng phóng ra hào quang nhiều màu sắc, ánh sáng chiếu đến các cõi nước Phật ở khắp mười phương. Hào quang ấy quay về nhiễu quanh Phật ba vòng rồi nhập vào trong đảnh đầu của Phật.
A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, quỳ thẳng chắp tay lễ Phật và hỏi:
–Bạch Thế Tôn! Thường Phật không cười suông. Ngài đã cười thì phải có ý?
Đức Phật bảo A-nan:
–Một trăm sáu mươi vị Tỳ-kheo này và chư Thiên sẽ được thành Phật ở trong kiếp Ba-la (Tinh tú) đồng một danh hiệu là Âu Thần Na-câu-ni-na (Tán Hoa). Lúc thành Phật, số chúng Tỳ-kheo của các vị Phật này đều bằng nhau, tuổi thọ của các vị Tỳ-kheo này cũng bằng nhau đó là mười vạn tuổi. Các vị Tỳ-kheo này tuần tự dần dần sẽ thành Phật. Lúc các vị thành Phật, thế giới của các vị đều có mưa hoa năm sắc màu.
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
|