KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nhục Chi.
QUYỂN 7
Phẩm 17: THỦ KHÔNG
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải nhập không như thế nào? Thủ Tam-muội Không như thế nào?
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật phải quán sắc, thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức là không. Nhất tâm quán như thế thì chẳng thấy pháp. Như vậy chẳng thấy pháp thì ở trong pháp chẳng chứng đắc.
Tu-bồ-đề thưa:
–Đức Phật đã nói, chẳng ở trong không chứng đắc. Tại sao Bồ-tát trụ trong Tam-muội, ở trong không chẳng được chứng đắc?
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát đầy đủ công đức quán niệm không chẳng được chứng đắc. Quán như thế thì chẳng chấp chứng đắc. Quán như thế là quán chỗ nhập. Vừa muốn hướng đến thì ngay lúc ấy chẳng chấp chứng đắc, chẳng nhập Tam-muội, tâm không chấp trước. Lúc ấy Bồ-tát chẳng đánh mất pháp Bồ-tát, chẳng chứng đắc Nê-hoàn giữa chừng. Vì sao? Vì bản nguyện xót thương cứu hộ hữu tình rất là tha thiết. Bồ-tát tự nghĩ: “Ta tuy đầy đủ công đức, nhưng lúc ấy ta không thủ chứng Nê-hoàn.” Bồ-tát đắc Bát-nhã ba-la-mật đạt được công đức rất lớn và sức mạnh của trí tuệ, ví như người mạnh mẽ đẩy lui được quân địch, là người tuấn tú khỏe mạnh không việc gì không làm được, thông hiểu binh pháp, sáu mươi bốn môn quyền biến đều đã luyện tập, được mọi người kính ngưỡng. Người đó đi đến đâu mọi người đều được bảo hộ, thu hoạch được lợi lạc nào cũng chia sớt cho mọi người, trong lòng người ấy hoan hỷ. Nếu có việc cùng đi với cha mẹ, vợ con ngang qua đường hiểm nguy, ách nạn thì bảo vệ cha mẹ yên ổn và nói với vợ con: “Đừng sợ, chúng ta sẽ ra khỏi chốn hiểm nạn này.” Ra khỏi được rồi, đưa cha mẹ, vợ con về quê, chẳng gặp hạng côn đồ hung dữ, đến nhà ai nấy đều vui mừng. Vì sao? Vì người ấy mạnh mẽ và có trí tuệ sáng suốt.
Bồ-tát ấy thực hiện lòng thương yêu rộng lớn, nghĩ đến hữu tình khắp cả mười phương, lúc đó đem lòng thương yêu ban cho mọi người. Bồ-tát ấy đã vượt qua quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật, trụ trong Tam-muội, xót thương hữu tình mà không thấy có hữu tình được độ, ở trong pháp ấy cũng chẳng thủ chứng Nê-hoàn, nhập vào không một cách sâu xa mà chẳng thành A-la-hán. Lúc Bồ-tát tu hành như thế tức là hành Tam-muội Không, không có ý tưởng hướng đến cửa Nê-hoàn, chẳng nhập vào không để thủ chứng Nêhoàn. Ví như chim bay trong hư không chẳng có trở ngại. Bồ-tát tu hành thì muốn hướng đến không, đến không rồi thì hướng đến vô tưởng. Nhưng chẳng lọt vào Không, chẳng lọt vào vô tưởng thì sẽ đầy đủ các pháp của Phật.
Ví như người bắn mũi tên vào không trung, mũi tên trước còn ở trên không, mũi tên sau trúng mũi tên trước, cứ như thế bắn mãi, mũi tên sau cứ trúng mũi tên trước. Người bắn tên muốn mũi tên trước rơi thì nó mới được rơi. Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật được phương tiện thiện xảo hộ trì, từ quả vị của mình chẳng ở giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn để bị rơi vào quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật, đem công đức này hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, công đức đầy đủ thì được thành Phật. Bồ-tát quán niệm theo lời dạy trong kinh, chẳng giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bồ-tát chịu cực khổ học như thế thì chẳng giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn!
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát ấy vì bảo hộ hữu tình giữ gìn Tam-muội Không hướng đến cửa Nê-hoàn nên tâm niệm phân biệt. Thế nào là phân biệt? Thủ Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tam-muội Vô nguyện chính là phân biệt phương tiện thiện xảo khiếnBồ-tát ấy chẳng giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn. Vì sao? Vì được phương tiện thiện xảo hộ trì, cho nên tâm nghĩ đến tất cả hữu tình. Vì mang ý niệm này nên đắc phương tiện thiện xảo chẳng ở giữa chừng thủ chứng Nê-hoàn. Nếu Bồ-tát quán sâu vào việc thủ Tam-muội Không hướng đến cửa Nê-hoàn, Tam-muội Vô tướng hướng đến cửa Nêhoàn, Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn, thì Bồ-tát phân biệt biết được người lâu nay do nhân duyên ở trong tưởng mà cầu đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát vì họ thuyết kinh thì phải làm cho họ bỏ cái nhân duyên ấy mà thủ Tam-muội Không, thủ Tam-muội Vô tướng, giữ gìn Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn mà không ở giữa chừng thủ chứng. Bồ-tát nghĩ như vậy, nhưng mọi người từ lâu cứ tưởng rằng có thường, có an vui (lạc) có thân (ngã) có tốt đẹp (tịnh), rồi họ căn cứ vào ngã để hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì họ nên Bồ-tát thuyết kinh để khiếncho họ đoạn trừ các tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh.
Cầu đoạn cái gì? Cái thường này là vô thường, cái lạc này đều là khổ, cái thân (ngã) này là phi thân (vô ngã), cái tốt đẹp (tịnh) này đều là nhơ xấu (bất tịnh). Bồ-tát thầm nghĩ: “Vì đắc được phương tiện thiện xảo thủ Không, thủ Vô tướng, thủ Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn mà không giữa chừng thủ chứng. Nếu có Bồ-tát tâm nghĩ rằng người ở thế gian từ trước đến nay cầu nhân duyên, cầu tưởng, cầu dục tưởng, cầu tụ tưởng, cầu không tưởng. Cầu các tưởng đó đều hiện tại thì Bồ-tát nói:
–Ta nhất thiết muốn khiếncho thế gian không có như vậy”. Vì nghĩ đến người ở thế gian như vậy cho nên được phương tiện thiện xảo. Pháp ấy quán phạm vi của không, tướng, nguyện, thức, vô sở tùng sinh (không sinh). Bồ-tát ấy chẳng giữa chừng thủ chứng. Phải biết như thế về pháp.
Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật như thế nào? Phải hiểu rằng tu pháp ấy thì tâm phải cầu các duyên nào? Và tâm phải nhập như thế nào? Thủ Tam-muội Không, thủ Tam-muội Vô tướng, thủ Tam-muội Vô nguyện hướng đến cửa Nê-hoàn đều không giữa chừng thủ chứng. Thủ Tam-muội Vô thức, thủ Tam-muội Vô sở tùng sinh (không sinh) thì Bồ-tát ấy chẳng được thọ ký. Thủ Tam-muội Không, Tam-muội Vô tướng, Tam-muội Vô nguyện, Tam-muội Vô thức, Tam-muội Vô sở tùng sinh, Bồ-tát nghĩ về các Tam-muội đó, có người đến hỏi mà Bồ-tát ấy chẳng tức thời đem tấm lòng không thể kể vì họ giảng giải thì biết Bồ-tát ấy chẳng phải là Bồ-tát không thoái chuyển. Vì sao? Vì tâm của Bồ-tát không thoái chuyển thì biết được nhiều vô số. Qua sự so sánh ấy, thấy công hạnh của Bồ-tát ấy chẳng đầy đủ thì biết vị Bồ-tát ấy chưa được không thoái chuyển.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Nếu Bồ-tát có khả năng giảng giải đáp lại những điều ấy thì đó là Bồ-tát không thoái chuyển?
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu hoặc chẳng nghe mà vẫn có thể giảng giải thì đó là Bồ-tát không thoái chuyển.
Tu-bồ-đề thưa:
–Có biết bao nhiêu người cầu đạo Bồ-tát nhưng ít có người có khả năng giảng giải?
Đức Phật dạy:
–Người có khả năng giảng giải là người đã được thọ ký, đã ở trong công đức ấy, là người hiểu biết giáo pháp một cách sâu sắc mà các vị A-la-hán, Bích-chi-phật không thể sánh bằng, chư Thiên, Nhân, A-tu-luân, Long, Quỷ, Thần không thể sánh bằng, đó chính là tướng trạng của không thoái chuyển.
Phẩm 18: XA LÌA
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Đại Bồ-tát ở trong mộng cũng không vào quả vị A-la-hán, chẳng vào quả vị Bích-chi-phật, chẳng thích cầu pháp đó, cũng chẳng dạy người cầu pháp đó, tâm cũng chẳng nghĩ đến các pháp đó. Trong mộng cũng thấy chẳng chứng đắc các pháp đó, thì tâm của Đại Bồ-tát ấy thường hướng đến Phật. Này Tu-bồ-đề! Như vậy Đại Bồ-tát không thoái chuyển phải biết đó là tướng mạo của không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát ở trong mộng ngồi giữa hàng trăm đệ tử trong pháp hội hoặc hàng ngàn đệ tử hoặc hàng trăm ngàn đệ tử nghe Phật thuyết giảng kinh. Bồ-tát cùng với Tỳ-kheo Tăng theo nhau thì ở tại vị trí đầu tiên nhất. Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng kinh thì ai nấy đều thấy như vậy. Này Tu-bồ-đề, Đại Bồ-tát không thoái chuyển phải biết đó là tướng mạo của không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển ở trong mộng ngồi rất cao trong hư không thuyết kinh cho các Tỳ-kheo Tăng nghe, tự hiện hào quang chiếu xa bảy thước, tự tại biến hóa, ở nơi khác làm Phật sự như Phật thuyết giảng kinh. Đại Bồ-tát ở trong mộng làm như thế cũng giống như Phật. Này Tu-bồ-đề, Đại Bồ-tát không thoái chuyển phải biết đó là tướng trạng của không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển ở trong mộng không kinh, không hãi, không ghét, không sợ. Trong mộng hoặc thấy giặc giã đánh nhau trong quận huyện hoặc lửa dậy hoặc thấy cọp sói, sư tử và các loại thú dữ khác hoặc thấy cảnh chặt đầu người, cũng như các sự biến hóa khác như là người khốn khổ, kẻ bần cùng, người đói, kẻ khát đều cho đó là ách nạn, nhưng tâm Bồ-tát ấy vẫn không lo, không sợ, không kinh, không động. Bồ-tát thấy các việc ấy ở trong mộng rồi, tỉnh giấc ngồi dậy, nghĩ rằng: “Những việc thấy trong mộng đều có ở ba cõi này. Lúc ta thành Phật, đều vì hữu tình trong ba cõi mà thuyết kinh để giáo hóa họ.” Này Tu-bồ-đề, Đại Bồ-tát không thoái chuyển phải biết đó là tướng trạng của không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Do đâu mà biết là Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác lúc thành Phật, trong cõi nước của vị ấy tất cả mọi người không có tâm ác? Này Tu-bồ-đề! Lúc ấy, Đại Bồ-tát ở trong mộng hoặc thấy súc sinh ăn nuốt lẫn nhau hoặc thấy dân chúng bị bệnh dịch, trong tâm dần dần phát sinh ý nguyện và nghĩ rằng: “Ta sẽ thành Phật, lúc ta thành Phật, cõi nước ta không có tất cả mọi điều ác.” Vì thế nên biết Đại Bồ-tát ấy cũng được như vậy. Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển phải biết các điều ác trừ hết tức là tướng trạng của không thoái chuyển.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát không thoái chuyển từ trong mộng thức dậy hoặc thấy thành quách bốc cháy, bèn nghĩ: “Ta đã thấy trong mộng rồi.” Do sự so sánh này, do tướng trạng này nên cảm thấy không sợ. Do sự so sánh này, do tướng trạng này mà biết công hạnh đầy đủ. Đại Bồ-tát ấy phải biết đó là tướng trạng của không thoái chuyển. Nhờ sự so sánh ấy, nhờ tướng trạng ấy mà biết công hạnh đầy đủ thì đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển. “Nay ta xét kỹ thì điều vừa xảy ra không khác chi trong mộng, hiện tại thành quách đang bốc cháy, do oai lực ý nghĩ của ta mà đều phải tắt, phải tiêu, không còn cháy nữa.” Phật nói tiếp:
–Này Tu-bồ-đề! Nếu như lửa tắt, lửa tiêu, lửa hết cháy thì biết đó là Đại Bồ-tát đã được Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và biết đó là tướng trạng của không thoái chuyển. Còn nếu như lửa không tắt, không tiêu, không hết thì biết Đại Bồ-tát ấy chưa được thọ ký.
Này Tu-bồ-đề! Nếu như thần lửa đốt nhà này mà chừa lại nhà kia hoặc đốt làng này mà chừa làng kia thì biết người bị cháy nhà ấy là do đời trước có tội phá hoại kinh pháp. Người ấy tự thấy quả báo của việc làm đời trước nên việc làm ác đời trước từ nay đều được tiêu trừ. Từ nay về sau tai ương còn sót lại do tội phá hoại kinh pháp đều hết, nghiệp ác đời trước đều tiêu. Này Tu-bồ-đề! Như vậy, biết Đại Bồ-tát ấy chưa đắc không thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Do sự so sánh ấy, do tướng trạng ấy mà biết công hạnh đầy đủ, Đại Bồ-tát phải thấy rằng nên đem sự so sánh ấy, đem tướng mạo ấy giảng nói cho họ biết.
Này Tu-bồ-đề! Nếu kẻ nam, người nữ bị quỷ thần ám hoặc bị quỷ thần dựa, Bồ-tát ấy nghĩ rằng: “Hoặc ta được thọ ký như Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã thọ ký ta thành Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tâm niệm của các Bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều thanh tịnh, nếu như ta được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tâm niệm của ta cũng thanh tịnh. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác từ bỏ tâm A-la-hán, từ bỏ tâm Bích-chi-phật. Nếu như từ bỏ tâm A-la-hán, tâm Bích-chi-phật rồi mà chỉ dùng tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì sẽ thành Phật, chẳng được chẳng thành Phật. Các Đức Phật hiện tại ở trong vô số cõi nước khắp cả mười phương không vị nào chẳng biết, không vị nào chẳng thấy, không vị nào chẳng chứng. Hôm nay Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ ý niệm của ta, ta chắc chắc sẽ thành Phật Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác quả đúng như lời ta nói, quả đúng như điều ta làm. Quả đúng như lời ta nói thì do oai lực của lời ta nói mà quỷ thần bỏ đi.” Bồ-tát bèn nói: “Kẻ nam người nữ này bị quỷ thần nào dựa đây!” Quỷ thần liền bỏ đi. Nếu như quỷ thần chẳng bỏ đi lúc Đại Bồ-tát nói lời ấy, thì biết là Đại Bồ-tát ấy chưa được thọ ký nghĩa là Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ chẳng thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho Bồ-tát đó.
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Người ấy thật chí thành, ma tệ ác qua đến chỗ của Đại Bồ-tát ấy và nói rằng:
–Nếu ông ở đây, nếu ông tên đó, nếu được thọ ký, thì ta sẽ nhiễu loạn ông.
Lúc đó vị Bồ-tát ấy phải nói:
–Ta là người chân thành, quỷ thần phải nghe theo lời của ta, ta thật sự được thọ ký đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu quả thật ta là người chí thành thì quỷ thần ấy phải bỏ đi.” Ma tệ ác nghĩ rằng: “Ta sẽ bảo quỷ thần bỏ đi.” Vì sao? Vì ma tệ ác có thế lực lớn hơn quỷ thần, nên quỷ thần chẳng dám cãi lệnh.” Ma nghĩ: “Do oai thần của ma nên quỷ thần mới bỏ đi.” Cũng vậy, Bồ-tát nghĩ: “Do oai thần của ta nên quỷ thần mới bỏ đi.” Đức Phật nói tiếp:
–Bồ-tát chẳng biết do oai thần của ma mà quỷ thần bỏ đi, rồi tự cho là do oai thần của mình, cho nên tự kiêu ngạo coi thường mọi người, cười chê mọi người, không trọng tài đức của người, nói với mọi người rằng: “Tôi ở chỗ Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã được thọ ký còn những người khác đều chưa được thọ ký.” Vì thế nên Bồ-tát ấy tự phụ, tự cao, trở lại giận dữ, giận dữ nổi lên càng ngày càng nhiều thì cách trí Nhất thiết trí càng xa, đánh mất trí Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những Bồ-tát ấy không có phương tiện thiện xảo, giận dữ càng phát sinh thì sẽ rơi vào hai quả vị là A-la-hán và Bích-chi-phật. Này Tu-bồ-đề! Những Bồ-tát ấy hành trì đạo Bồ-tát chẳng thành tựu. Đại Bồ-tát ấy phải nhận biết đó là hành vi của ma.
Bồ-tát bỏ Thiện tri thức, không nói chuyện với Thiện tri thức, cũng không làm việc với Thiện tri thức, cũng không trọng tài đức của Thiện tri thức. Vì thế nên biết là Bồ-tát ấy bị ma trói chặt. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát phải nhận biết đó là hành vi của ma. Vì sao phải nhận biết việc ấy? Vì biết ma đến trước Bồ-tát. Ma luôn luôn thay đổi dạng đến chỗ Bồ-tát, nói thế này: “Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã thọ ký cho ông đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với tên là gì đó, mẹ tên gì đó, cha tên gì đó, anh tên gì đó, chị tên gì đó, em tên gì đó, bà con thân thích tên gì đó, Thiện tri thức tên gì đó, bác tên gì đó, tổ tiên bảy đời tên gì đó, bên ngoại họ gì đó, bên nội họ gì đó, sinh ở thành nào đó, sinh ở nước nào đó, sinh ở quận nào đó, sinh ở huyện nào đó, sinh ở làng nào đó Nếu Bồ-tát thường nói lời dịu dàng hoặc hiện đang nói lời dịu dàng thì ma bèn nói là ở đời trước Bồ-tát ấy cũng đã nói lời dịu dàng đó. Nếu thấy Bồ-tát có tài cao thì ma nói Bồ-tát đời trước cũng đã có tài cao đó.” Hoặc thấy tên của mình hoặc thấy khất thực hoặc lúc nhất tọa thực, hoặc lúc ăn uống tiết lượng, hoặc lúc ăn rau quả từ khước ăn cơm, hoặc lúc ở gò mả, hoặc lúc ở nơi đất trống, hoặc lúc ngồi dưới gốc cây, hoặc lúc có nhận lời mời, hoặc lúc chẳng nhận lời mời, hoặc lúc nhận chút ít vừa đủ, hoặc lúc không xoa thân bằng dầu mè, hoặc lúc nói hay, hoặc lúc luận khéo. Ma thấy như thế rồi dựa vào đó mà nói lời dối trá rằng: “Đời trước ông cũng luận đàm Như thế, đời trước ông cũng lập hạnh Như thế, nên hôm nay mới được Như thế. Vì sao? Vì đời trước ông tu hành thanh tịnh Như thế, nên hôm nay mới được Như thế. Vì đời trước ông tu hành thanh tịnh có công đức nên hôm nay ông mới đạt được công đức ấy. Nếu ở đời trước làm con của nhà nào đó hoặc tộc nào đó, đời trước có công hạnh đó nên bây giờ cũng được hạnh thanh tịnh đó.” Tâm của Bồ-tát ấy nghĩ rằng: “Ta được Như thế!” Ma tệ ác liền nói:
–Ông đã được Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ thọ ký không thoái chuyển rồi, cho nên ông được thanh tịnh.
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Những điều ta nói về không thoái chuyển Bồ-tát phải đem sự so sánh ấy, đem tướng trạng ấy, đem công hạnh ấy dùng để chiêm nghiệm. Những điều ta đã nói mà Bồ-tát chẳng được đầy đủ mà lại tự cho là đầy đủ thì phải biết Bồ-tát ấy nhất định chẳng thành tựu, phải biết là bị sự phá hoại của ma. Vì sao? Vì qua sự so sánh ấy, tướng trạng ấy, Đại Bồ-tát không thoái chuyển biết là hoàn toàn chẳng được. Vì ma nói công đức của Bồ-tát ấy, danh tự của Bồ-tát ấy, Bồ-tát đó nghe lời của ma nói trong lòng mừng rỡ, tự cho là đúng như vậy, rồi có thái độ chê cười mọi người, khinh dễ bạn đồng học, tự kiêu ngạo. Bồ-tát ấy do chấp nhận lời của ma mà đánh mất bổn hạnh, rơi vào lưới ma.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Vì chấp nhận lời của ma nên Đại Bồ-tát chẳng nhận biết đó là hành vi của ma, trở lại tự cho là đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ma còn nói:
–Ông sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lúc thành Phật sẽ có danh hiệu là gì đó.” Vị ấy nghĩ: “Ta được Như thế! Trước đây ta cũng nghĩ như vậy. Ta vốn đã có ý đó, ta vốn đã nghĩ Như thế!”
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát ấy như vậy là đã ở trong tình trạng kém trí tuệ. Bồ-tát ấy không có phương tiện thiện xảo, lại nghĩ: “Lời nói về danh hiệu của ta lúc thành Phật cũng đúng như ý nghĩ trước đây của ta. Ta nhất định sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với danh hiệu Như thế.
Đức Phật dạy:
–Hoặc làm theo lời dạy của ma hoặc cộng tác với Thiên ma, qua đó đủ biết là Bồ-tát ấy bị ma mê hoặc.
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Bồ-tát được ta công nhận là do sự so sánh ấy, tướng trạng ấy, ta chẳng dạy họ làm Như thế. Điều ta dạy là hoàn toàn chẳng được quên sự so sánh ấy, tướng trạng ấy. Ngược lại, do danh hiệu kia nên tự nghĩ rằng: “Ta là không thoái chuyển”, rồi khinh dễ các Bồ-tát khác. Do sự khinh dễ đó mà xa lìa Phật, xa lìa trí Nhất thiết trí, xa lìa trí Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, xa lìa phương tiện thiện xảo, quên đi Bát-nhã ba-la-mật, quên đi Thiện tri thức mà lại gặp pháp ác tri thức. Bồ-tát đó sẽ rơi vào trong đạo A-la-hán, Bích-chi-phật. Nếu về sau trải qua thời gian rất dài siêng năng cầu Phật đạo, nhờ ân Bát-nhã ba-la-mật sẽ đắc đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tự tiến đến thành Phật.
Đức Phật dạy:
–Lúc Bồ-tát phát khởi ý nghĩ chấp nhận danh hiệu ấy mà chẳng giác biết, chẳng hối cãi, như vậy sẽ bị rơi vào trong đạo A-la-hán, Bích-chi-phật.
Phật nói tiếp:
–Nếu có Tỳ-kheo thọ bốn giới trọng rồi, nếu vì lý do nào đó mà phạm bốn giới trọng này thì chẳng còn là Sa-môn, chẳng còn là Phật tử. Vị Bồ-tát hư hỏng kể trên tội còn hơn Tỳ-kheo phạm bốn giới trọng kia. Bồ-tát ấy nói: “Tôi sẽ sinh ra ở làng đó, huyện đó, quận đó, nước đó.” Lúc khởi lên ý nghĩ như thế thì tội rất nặng, Bồ-tát cần phải biết như vậy.
Hãy gác bốn tội trọng lại mà nói đến năm tội nghịch ác, lúc khởi lên ý nghĩ đó thì mang tội nặng ấy. Vì Bồ-tát chấp nhận danh hiệu đó, trong lòng tin rồi sinh ra ý nghĩ đó nên đắc tội lớn, Bồ-tát cần phải biết như vậy.
Như vậy, này Tu-bồ-đề! Do cái danh hiệu ấy mà bị ma đưa vào tội sâu nặng.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Ma tệ ác thấy Đại Bồ-tát có hạnh xa lìa, bèn đến nói:
–Pháp xa lìa là chánh đáng. Đó là pháp được Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác khen ngợi.
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Ta chẳng nói pháp xa lìa dạy Đại Bồ-tát ở một mình, ở dưới gốc cây, ở chỗ nhàn tịnh (A-luyện-nhã).
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Thế nào, Đại Bồ-tát xa lìa chỗ nào? Lại có pháp xa lìa khác nữa chăng? Cũng chẳng ở riêng một mình? Cũng chẳng ở dưới gốc cây? Cũng chẳng ở chỗ nhàn tịnh? Thế nào là pháp xa lìa khác?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Giả sử mọi người đều nghĩ có A-la-hán hành pháp xa lìa. Mọi người đều nghĩ có Bích-chi-phật hành pháp xa lìa. Mọi người đều nghĩ có Đại Bồ-tát ở ngoài thành đang hành pháp xa lìa. Các Đại Bồ-tát hành pháp xa lìa thì chẳng phạm tất cả mọi điều ác. Các Bồ-tát hành pháp xa lìa hoặc phải ở riêng một mình hoặc ở dưới gốc cây hoặc ở chỗ nhàn tịnh hiển nhiên là đang hành pháp xa lìa của Đại Bồ-tát. Ta thích dạy họ thực hành pháp ấy, chứ không dạy họ lánh xa mọi người, ở chỗ không một bóng người. Đại Bồ-tát thọ trì pháp xa lìa ấy phải ngày đêm thực hành, phải luôn luôn thực hành, thế nên Đại Bồ-tát phải thực hành pháp xa lìa ở bên thành thị. Lấy đây suy ra thì Đại Bồ-tát phải thực hành hạnh xa lìa ở khắp mọi nơi hoặc ở riêng một mình hoặc ở dưới gốc cây hoặc ở chỗ nhàn tịnh. Ta nói Đại Bồ-tát phải hành pháp xa lìa Như thế.
Bấy giờ ma tệ ác sẽ đến dạy hành pháp xa lìa, nó nói: “Hoặc ở riêng một mình hoặc ở dưới gốc cây hoặc ở chỗ nhàn tịnh, phải thực hành như vậy.” Bồ-tát ấy nghe theo lời dạy của ma bèn quên mất pháp xa lìa của Phật dạy. Lời của ma nói: “Các đạo như nhau, ông nên chọn lấy pháp A-la-hán, nghĩ rằng không có gì khác và nên theo đó mà tu hành, đạo Bích-chi-phật nghĩ rằng không có gì khác, cũng nên theo đó mà tu hành, đạo Bồ-tát nghĩ rằng không có gì khác, cũng nên theo đó mà tu hành. Bát-nhã ba-la-mật khó hiểu nhập, nếu đang tu các hạnh đó thì phải xả bỏ Bát-nhã ba-la-mật.” Đức Phật dạy:
–Bồ-tát ấy chưa đạt được sở nguyện, ngược lại tu theo hạnh của ma dạy. Vì chưa hiểu rõ chánh pháp nên Bồ-tát ấy trái lại tự dùng pháp ấy, khinh dễ các Bồ-tát khác, tự nghĩ: “Đâu ai có thể hơn ta!”, khinh dễ các Bồ-tát tu hành ở bên thành thị. Bồ-tát tu hành bên thành thị tỏ rõ tâm thanh tịnh, nghĩ rằng: “Không vào trụ trong pháp A-la-hán, không vào trụ trong pháp Bích-chi-phật, không thọ nhận tâm ác, thiền vượt thoát tứ khí định (Tứ thiền), ở trong Tam-muội Đạt được sở nguyện đầy đủ.
Đức Phật dạy tiếp:
–Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo giả sử đi trong chỗ hoang vắng trăm ngàn do-tuần, chỗ cầm thú không đến, chỗ giặc cướp không đến, chỗ quỷ La-sát không đến và dừng trụ ở đó hoặc trăm năm hoặc trăm ngàn năm hoặc trăm ngàn vạn năm hoặc hơn nữa, mà chẳng hiểu pháp xa lìa này thì cũng vô ích. Bồ-tát ấy chẳng đầy đủ pháp xa lìa, tự nghĩ, tự dùng, tự cho là đắc, vì hoàn toàn chẳng tự biết là đánh mất pháp xa lìa, lại tự cho là trụ trong pháp xa lìa. Đó là chỉ nói lời lưỡng thiệt mà chẳng được xa lìa. Ta không thích tâm của Bồ-tát ấy Như thế. Ta đã nói Đại Bồ-tát xa lìa thì chẳng Như thế. Đó là không biết đầy đủ về pháp xa lìa, lúc đó ở trong xa lìa hoàn toàn chẳng được, như vậy là đánh mất pháp xa lìa.
Ma tệ ác bay đến đứng trong hư không, nói:
–Hay thay, thiện nam! Đó là pháp chân thật xa lìa do Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nói, cần phải tu theo hạnh xa lìa ấy thì mau chóng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Bồ-tát ấy nghe lời này mừng rỡ liền từ chỗ xa lìa đứng dậy đi đến chỗ của Bồ-tát tu hạnh xa lìa ở bên thành thị, vị Bồ-tát này là người có đức, nhưng lại đến nói lời khinh dễ hoặc nói vị Bồ-tát này tu hành chẳng đúng.
Đức Phật dạy:
–Cũng vậy, trong các nhân giả, có người rõ ràng đang tu hành theo pháp xa lìa của Đại Bồ-tát, mà ngược lại họ bị nói là chẳng đúng. Trong số các nhân giả cũng có người hành trái với pháp xa lìa của Đại Bồ-tát mà cho là đúng. Người chẳng đáng kính mà lại kính. Người đáng được kính, trở lại giận ghét. Họ nói với Bồ-tát ấy rằng: “Tôi hành xa lìa, có người bay đến nói với tôi: ‘Hay thay, hay thay! Nếu quả thật là pháp xa lìa thì phải nên theo đó tu hành, vì thế nên tôi đến nói với ông.’ Nay nếu ông tu hành theo tôi, tu như tôi thì không ai sánh bằng. Nếu như ông tu hành ở bên thành thị, thì đâu có ai đến nói hoặc đâu có ai đến bảo hoặc khen: ‘Hay thay, hay thay!’.”
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát ấy là người có đức, mà trái lại bị khinh dễ Như thế.
Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải biết như vậy. Như hạng khiêng thây chết (Chiên-đà-la) không có trung thực, họ nói Bồ-tát ấy có khuyết điểm. Họ là oan gia của Bồ-tát. Họ là kẻ ghét Bồ-tát. Họ là kẻ giặc của thế gian. Giả sử họ có đắp y như Sa-môn cũng vẫn không khác kẻ giặc. Họ dù sống lẫn lộn trong hàng ngũ của Bồ-tát có đức, cũng vẫn là kẻ giặc. Này Tu-bồ-đề, không nên làm việc chung với hạng người này, cũng không nên nói chuyện với họ, cũng không nên cung kính coi trọng họ. Vì sao? Vì kẻ nhiều giận dữ làm hỏng lòng tốt của người chính là họ. Các ông cần phải biết!
Này Tu-bồ-đề, vì sao Đại Bồ-tát chẳng xả trí Nhất thiết trí, chẳng bỏ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Sở dĩ Đại Bồ-tát chẳng xả trí Nhất thiết trí, chẳng bỏ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là vì mục đích cứu hộ hữu tình. Hạng phá hoại Đại Bồ-tát ấy, thì chẳng nên làm việc chung, chẳng nên cung kính, chẳng nên hội họp với họ, mà Đại Bồ-tát cần phải giữ gìn chánh pháp, phải tự kiên trì, thường phải gấp rút hộ trì, giữ tâm thanh tịnh, tâm có thói xấu thường phải dè chừng, thường phải giữ tâm chân chánh, thường phải biết sợ, không được vào ba cõi là chỗ mà đám phá hoại Bồ-tát đang ở tại đó. Đại Bồ-tát thường phải đem lòng từ hướng đến họ, thường phải xót thương nghĩ cách làm cho họ an ổn, thường tự giữ tâm niệm của mình khiếncho không sinh tâm niệm ác, nghĩ: “Nhất thiết khiếntâm ta không có tỳ vết. Nếu như ta có tâm bất thiện thì phải liền buông bỏ.”
Này Tu-bồ-đề, ông cần phải biết Đại Bồ-tát có hạnh tu cao cả Như thế!
Phẩm 19: THIỆN TRI THỨC
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát đang tu hành muốn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Đại Bồ-tát ấy cần phải phục vụ Thiện tri thức, cung kính, hầu hạ Thiện tri thức.
Tu-bồ-đề hỏi Phật:
–Làm thế nào để biết đó là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Đức Phật, Thiên Trung Thiên chính là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát. Nếu có người thuyết Bát-nhã ba-la-mật dạy người nhập vào trong kinh này thì người đó chính là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát. Sáu pháp Ba-la-mật chính là Thiện tri thức của Đại Bồ-tát. Phải biết sáu pháp Ba-la-mật là Đại sư, sáu pháp Ba-la-mật là đạo của Bồ-tát, sáu pháp Ba-la-mật là hộ, sáu pháp Ba-la-mật là nhất, sáu pháp Ba-la-mật là vị tướng soái. Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đều được sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật. Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thời vị lai đều được sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật. Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại trong vô số cõi nước ở khắp mười phương cũng đều được sinh ra từ Bát-nhã ba-la-mật, thành tựu trí Nhất thiết trí. Các Ngài đều từ trong bốn nhiếp mà đắc đạo, rồi dùng bốn nhiếp pháp này cứu hộ hữu tình. Thế nào là bốn nhiếp pháp? Một là bố thí cho người, hai là nói điều khiếncho mọi người vui vẻ (ái ngữ), ba là làm lợi ích cho mọi người (lợi hành), bốn là tham dự như nhau (đồng sự).
Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật đối với Đại Bồ-tát chính là đại sư, là cha, là mẹ, là nhà, là đền, là đò, là chỗ tự nương về, là người dẫn đường. Sáu pháp Ba-la-mật ấy chính là pháp cứu độ hữu tình.
Vì sao Đại Bồ-tát phải học sáu pháp Ba-la-mật? Vì muốn chặt đứt gốc nghi cho tất cả mọi người nên các Đại Bồ-tát đều phải học Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề hỏi Phật:
–Cái gì là tướng Bát-nhã ba-la-mật?
Đức Phật nói với Tu-bồ-đề:
–Vô ngại là tướng Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề thưa:
–Tướng vô ngại của Bát-nhã ba-la-mật cũng là tướng của các pháp chăng?
Đức Phật dạy:
–Đúng thế, này Tu-bồ-đề! Tướng vô ngại là tướng Bát-nhã ba-la-mật cũng chính là tướng của các pháp. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, vì các pháp tuy khác nhau nhưng các pháp đều rỗng không. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Các tướng đều rỗng không là tướng của Bát-nhã ba-la-mật. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Tướng Bát-nhã ba-la-mật rỗng không, theo tướng ấy mà có các pháp cũng đều rỗng không.
Tu-bồ-đề hỏi Phật:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Nếu như các pháp đều rỗng không thì tại sao con người muốn có sinh mà không có lúc chết, không có lúc diệt, không có lúc đến chỗ cùng tận. Nhưng rỗng không thì không có tăng, rỗng không thì không có dứt, các pháp rỗng không nên không có Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ở trong đó. Các pháp rỗng không, vì thế nên chẳng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Làm thế nào để hiểu đúng pháp ấy?
Đức Phật dạy:
–Có người ngày đêm muốn được cái nhân đó để đạt đến pháp đó, nên họ cầu Như thế.
Tu-bồ-đề thưa:
–Đúng thế! Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Có người ngày đêm muốn được cái nhân đó để đạt đến pháp đó, nên họ cầu Như thế.
Đức Phật dạy:
–Thế nào, này Tu-bồ-đề! Ông có thấy ta muốn đắc pháp không đó chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, con không thấy!
Đức Phật dạy:
–Đúng là không, này Tu-bồ-đề! Tự làm như thế có đắc pháp không đó chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Đúng thế! Bạch Đức Thiên Trung Thiên, không!
Đức Phật dạy:
–Thế nào, này Tu-bồ-đề! Chỉ vì cớ ấy, nghĩa là vì muốn được cái nhân đó để đạt đến pháp đó nên có người vì thế mà nhọc nhằn khổ sở không có lúc thảnh thơi.
Tu-bồ-đề thưa:
–Đúng thế! Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Người đang an ổn vì muốn được cái nhân đó để đạt đến pháp đó mà phải nhọc nhằn khổ sở không có lúc nghỉ ngơi.
Đức Phật dạy:
–Đúng thế, này Tu-bồ-đề! Con người vì ham muốn nên sinh chấp trước. Phải biết, con người được sinh ra vốn là từ sự ham muốn đó mà sinh. Từ trong đó không thật có. Không thật có thì không cho là đắc. Điều đó hoàn toàn không thật có. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Không có lúc diệt tận. Từ trong đó hoàn toàn không có tăng thêm cái sinh, người hiểu biết như thế chính là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Người hiểu biết như thế là Đại Bồ-tát vì chẳng cầu sắc, chẳng cầu thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức. Người hiểu biết như thế là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật vì đều hành bình đẳng, các A-la-hán, Bích-chi-phật không thể sánh bằng. Đạo tu hành của bậc có đức vượt lên trên các vị kia, mà người thích có sở đắc không thể bì kịp. Đại Bồ-tát ấy phải nghĩ rằng, được Bát-nhã ba-la-mật rồi phải hành như thế này, nghĩa là Đại Bồ-tát ngày đêm tu hành thì chóng đến gần Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật dạy:
–Thế nào? Tu-bồ-đề! Người trong châu Diêm-phù-lợi và tất cả các loài bò bay máy cựa khắp bốn phương đều khiếncho chúng được làm người. Mọi loài ấy đều được sinh vào loài người rồi, đều khiếncho họ cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Họ đã phát tâm cầu Phật đạo, họ suốt đời tu hạnh bố thí, rồi đem phước bố thí ấy hồi hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao, Đại Bồ-tát ấy bố thí như vậy, phước đức có nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, rất nhiều, rất nhiều!
Đức Phật dạy:
–Phước bố thí của Đại Bồ-tát ấy chẳng bằng phước của Đại Bồ-tát được Bát-nhã ba-la-mật rồi, thọ trì một ngày. Nếu như chỉ trong một ngày mà theo đúng như lời dạy trong Bát-nhã ba-la-mật mà tu hành thì phước của Đại Bồ-tát này hơn phước của người vừa kể trên. Hoặc có lúc Đại Bồ-tát được Bát-nhã ba-la-mật rồi, tu hành theo đúng pháp ấy thì vị ấy là bậc cực kỳ tôn quý trong chúng. Vì sao? Vì những người khác không ai bì kịp người có lòng từ mẫn ấy, trừ chư Phật ra, không có ai sánh bằng vị Đại Bồ-tát ấy. Thiện nam ấy thâm nhập vào trong trí, hiểu rõ trí ấy một cách đầy đủ, thấy hết những người nhọc nhằn khổ sở của thế gian bấy giờ thật đáng xót thương. Đạo nhãn thấy thấu suốt hết không xiết kể hữu tình nên Bồ-tát không có lúc nào lười nhác, vì không lười nhác nên được cái hạnh ấy. Ngay lúc ấy hết sức thương cảm nghĩ đến hữu tình nhưng chẳng dùng tướng này để trụ và cũng chẳng trụ nơi tướng khác.
Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát trí tuệ rất sáng suốt. Tuy chưa đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà sáng suốt như vậy. Các Bồ-tát tu theo hạnh ấy, được tất cả các cõi tôn sùng. Các Bồ-tát đang tiến lên Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ thoái lui.
Đại Bồ-tát nếu nhận của bố thí đầy đủ áo chăn, thức uống ăn, giường nệm, thuốc men của người, tâm của Bồ-tát đứng vững trong Bát-nhã ba-la-mật, thì có thể báo ân bố thí và cũng tiếp cận trí Nhất thiết trí. Như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nhận của bố thí không có tội, mà còn có ích cho hữu tình, vì chỉ con đường chân tịnh cho họ. Trí tuệ của Đại Bồ-tát vô biên, vô cùng chiếu soi đến các hữu tình trong chốn địa ngục khiếncho họ được độ thoát. Đại Bồ-tát muốn chỉ bày đạo nhãn cho các hữu tình chính là pháp trong Bát-nhã ba-la-mật, để họ nhớ thực hành và tuân theo lời dạy ấy. Do nhớ thực hành pháp ấy tức là nhập vào Bát-nhã ba-la-mật, tu hành chẳng động, tu hành chẳng lay, đừng niệm tưởng, đừng nghĩ khác, dự nhập vào trong Bát-nhã ba-la-mật. Phải hành Như thế, ngày đêm nhập vào trong Bát-nhã ba-la-mật, đừng lười biếng, ngừng nghỉ.
Này Tu-bồ-đề! Ví như thiện nam được viên ngọc ma-ni, trước kia chưa được, về sau được ngọc ma-ni ấy, mừng rỡ hớn hở. Được ngọc ma-ni ấy rồi, sau đó lại làm mất đi, vì thế rất đau buồn, đứng ngồi lo rầu nghĩ tưởng như mất bảy báu, nghĩ rằng: “Tại sao ta lại làm mất trân bảo này!” Cũng giống như vậy, này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát muốn cầu trân bảo thường phải kiên trì, tâm không được đánh mất trí Nhất thiết trí thường phải vào trong trí Nhất thiết trí ấy mà quán niệm Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Nếu như quán niệm được sử dụng thì thân (ngã) mất, vậy tại sao Đại Bồ-tát quán niệm mà trí Nhất thiết trí chẳng mất?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Nếu như Đại Bồ-tát biết rằng vô vi thì không đánh mất Bát-nhã ba-la-mật. Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật rỗng không. Bát-nhã ba-la-mật ấy cũng chẳng thêm, cũng chẳng giảm.
Tu-bồ-đề thưa:
–Bát-nhã ba-la-mật ấy rỗng không thì làm sao sinh ra Đại Bồ-tát thành tựu hạnh Bát-nhã ba-la-mật tiếp cận Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Đức Phật dạy:
–Không phải! Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát cũng chẳng thêm chẳng giảm. Giả sử lúc Đại Bồ-tát nghe thuyết kinh này mà chẳng sợ chẳng hãi thì nên biết vị ấy đang thực hành Bát-nhã ba-la-mật.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Như vậy có phải thực hành Bát-nhã ba-la-mật là hành không chăng?
Đức Phật dạy:
–Chẳng phải! Này Tu-bồ-đề! Có ai lìa Bát-nhã ba-la-mật mà hành không được chăng? Này Tu-bồ-đề! Lìa không, có hành được chăng? Này Tu-bồ-đề! Hoại sắc có hành được chăng? Này Tu-bồ-đề! Hoại thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức có hành được chăng? Này Tu-bồ-đề! Lìa thống dương, tư tưởng, sinh tử, thức, có hành được chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Thế nào là thực hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật hỏi:
–Thế nào? Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy pháp ấy chăng? Có pháp để thực hành Bát-nhã ba-la-mật chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, con chẳng thấy!
Phật hỏi:
–Này Tu-bồ-đề! Ông thấy có pháp Bát-nhã ba-la-mật để Đại Bồ-tát hành chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, con chẳng thấy!
Đức Phật hỏi:
–Này Tu-bồ-đề! Ông có thấy Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, con chẳng thấy!
Đức Phật hỏi:
–Này Tu-bồ-đề! Ông chẳng thấy pháp có chỗ sinh chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Bạch Đức Thiên Trung Thiên, con chẳng thấy!
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Đại Bồ-tát đắc pháp lạc Vô sở tùng sinh (Vô sinh pháp nhẫn). Đại Bồ-tát đắc pháp lạc Vô sở tùng sinh đầy đủ thì được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là chỗ đạt đến của Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, không còn lo sợ, tất cả đều phải hộ trì. Đại Bồ-tát phải cầu Như thế, hành Như thế, nỗ lực như thế thì đạt đến trí tuệ Phật, trí tuệ cực đại, trí tuệ tự tại, trí tuệ Nhất thiết trí, trí tuệ Như Lai, nếu như không được thành Phật thì lời Phật nói là không đúng.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Có phải người đắc các pháp Vô sở tùng sinh thì được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Chẳng phải vậy!
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Thế nào là Đại Bồ-tát đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Ông thấy có pháp thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?
Tu-bồ-đề thưa:
–Con chẳng thấy có pháp thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật dạy:
–Đúng thế! Này Tu-bồ-đề! Các pháp như thế không từ trong đó mà đắc. Bồ-tát chẳng nghĩ rằng nhờ pháp ấy mà được thọ ký hay chẳng được thọ ký.
KINH ĐẠO HÀNH BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
|