VT0689
KINH THẬM HY HỮU
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt Dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật đang trú ngụ trên núi Thứu phong thuộc thành Vương xá cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người đông đủ và vô lượng Bồ-tát, chư Thiên, loài người... Lúc ấy, Tôn giả A-nan, vào sáng sớm được chia đi khất thực, cho nên cầm bát vào thành Vương xá tuần tự đi khất thực từng nhà, từ xa nhìn thấy có một lầu gác lớn, vừa xây cất xong, trang hoàng xinh đẹp, thật dễ thương. Thấy rồi liền suy nghĩ: “Nếu các thiện nam hay thiện nữ nào, có thể xây cất lầu gác cao rộng như thế và trang hoàng xinh đẹp tráng lệ như thế, đem dâng cúng cho chúng đại đức Tăng bốn phương, hoặc có thiện nam, thiện nữ nào, sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn, xây dựng bảo tháp, kích cỡ như quả Am-ma-lặc, lấy hạt xá-lợi của Phật bằng hạt cải đặt trong đó, hình đáng trụ cây bằng cây kim lớn, phía trên đỉnh tháp để tướng luân nhỏ như lá táo, hoặc tạo tượng Phật thấp như cây lúa, phước đức phát sinh của hai việc này việc nào nhiều hơn?”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan suy nghĩ như vậy rồi, ở nơi thành Vương xá tuần tự đi khất thực xong, lại trở về chỗ cũ, thọ thực xong xếp y bát, rửa chân xong, sau khi ăn xong, thì đi đến chỗ Như Lai, đến nơi liền đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, đứng qua một bên bạch:
–Bạch Thế Tôn! Vừa rồi vào buổi sáng được phân chia đi khất thực, cho nên con mang y cầm bát vào thành Vương xá thứ tự đi khất thực, từ xa nhìn thấy có một lầu gác lớn, vừa xây cất xong, trang hoàng xinh đẹp. Thấy vậy con liền suy nghĩ: “Nếu thiện nam, hay thiện nữ nào có thể xây cất lầu gác cao rộng như vậy và trang hoàng đẹp đẽ, đem dâng cúng cho chúng đại đức Tăng bốn phương; hoặc có thiện nam, thiện nữ nào, sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn, xây cất tháp lớn như quả Am-ma-lặc, đem xá-lợi Phật nhỏ như hạt cải đặt vào bên trong; hình dáng trụ cây như cây kim lớn, phía trên để tướng luân nhỏ như lá táo; hoặc tạo tượng Phật nhỏ như cây lúa, như vậy phước đức của hai việc ấy việc nào nhiều hơn? Vì thế hôm nay con thưa hỏi Thế Tôn, xin Như Lai thương xót giảng nói rõ cho.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng tiếng Phạm vi diệu bảo Tôn giả A-nan:
–Lành thay! Lành thay! Hôm nay ông muốn làm lợi ích an vui cho vô lượng chúng sinh và thương xót hàng trời, người nơi thế gian, làm cho họ được lợi ích an vui lớn, cho nên thưa hỏi Như Lai về ý nghĩa lớn như vậy. Nay ông hãy lắng nghe và tư duy thật kỹ! Ta sẽ phân biệt giải thích cho ông.
Tôn giả A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn! Thưa vâng con rất muốn nghe!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Đối với Nam Thiệm-bộ châu ở phương này, diện tích ngang dọc bảy ngàn dặm, Bắc rộng, Nam hẹp, khu đất hình tròn, người ở trong đó cũng vậy, giả sử hợp hết tất cả lại làm thành một khoảng, hoặc cây mía, hoặc cây cỏ lau, hoặc rừng tre, hoặc ruộng lúa nước, hoặc ruộng mè, đầy đặc trong đó, không thiếu chỗ nào. Như vậy giả sử, khắp ở Thiệm-bộ châu, hoặc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả Độc giác, ở trong đó đầy đặc không thiếu chỗ nào, cũng như cây mía... nếu có một người đối với Thánh chúng đó trọn đời cung kính phụng sự cúng dường, dâng cúng y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men tốt nhất và các đồ dùng khác và đối với mỗi vị ấy sau khi nhập Niết-bàn, đúng như pháp thiêu thân thu lấy xá-lợi, xây cất tháp lớn cao rộng, trang hoàng dùng hương xoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa và các thứ, phướn lọng đẹp đẽ, cờ báu, âm nhạc, đèn đuốc thắp sáng, khen ngợi cúng dường, ý ông thế nào? Phước đức sinh ra do nhân duyên đó có nhiều không?
Tôn giả A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Ngoài châu Nam Thiệm-bộ phương này ra có châu Tỳ-đề-ha phương Đông, diện tích ngang dọc chín ngàn do-tuần, khu đất hình bán nguyệt, mặt người ở trong đó cũng vậy, giả sử hợp hết tất cả lại thành một khoảng, hoặc cây mía, hoặc cây cỏ lau, hoặc rừng tre, hoặc ruộng lúa nước, hoặc ruộng mè... đầy ắp không có chỗ hở. Như vậy, giả sử khắp cả châu Tỳ-đề-ha ở phương Đông ấy, hoặc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả Độc giác, đầy đặc khắp nơi không thiếu chỗ nào cũng như cây mía... nếu có một người đối với Thánh chúng ấy trọn đời cung kính, phụng sự cúng dường, dâng cúng y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men thượng diệu và các đồ dùng khác, đối với mỗi vị ấy sau khi nhập Niết-bàn, đúng như pháp thiêu thân, thu lấy xá-lợi, xây cất tháp lớn, trang hoàng dùng hương thoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa và các thứ, phướn lọng đẹp nhất, cờ báu, âm nhạc, đèn đuốc thắp sáng, khen ngợi cúng dường, ý ông thế nào? Phước đức sinh ra do nhân duyên đó có nhiều không?
Tôn giả A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Ngoài châu Tỳ-đề-ha ở phương Đông ra, ở phương Tây có châu Cù-đà-ni diện tích ngang dọc chín ngàn do-tuần, khu đất hình như mặt trời, mặt người ở trong đó cũng vậy. Giả sử hợp hết tất cả lại thành một khoảng, hoặc rừng mía, hoặc rừng cây cỏ lau, hoặc rừng tre, hoặc ruộng lúa nước, hoặc ruộng mè... đầy ắp không thiếu chỗ nào. Như vậy, giả sử khắp cả châu Cù-đà-ni ở phương Tây, hoặc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-La-hán, hoặc quả Độc giác, đầy đặc không có chỗ hở, cũng như cây mía... Nếu có một người đối với Thánh chúng đó suốt đời cung kính, phụng sự cúng dường, dâng cúng y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men thượng diệu và các đồ cần dùng khác và đối với mỗi vị ấy, sau khi nhập Niết-bàn, đúng như pháp thiêu thân, thu lấy xá-lợi, xây tháp lớn, trang hoàng, dùng hương thoa, hương bột, hương đốt, vòng hoa và các thứ, phướn lọng đẹp nhất, cờ báu, âm nhạc, đèn đuốc thắp sáng, khen ngợi cúng dường. Ý ông thế nào? Phước đức sinh ra do nhân duyên đó có nhiều không?
A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:
–Ngoài châu Cù-đà-ni ở phương Tây, có châu Đại câu-lô ở phương Bắc, diện tích ngang dọc mười ngàn do-tuần, khu đất hình vuông vắn, mặt người ở trong đó cũng vậy. Nếu dồn hết tất cả lại thành một, hoặc rừng mía, rừng cây lau, hoặc rừng trúc, hoặc ruộng lúa, ruộng mè... đầy ắp trong đó không có chỗ hở. Cũng như vậy, giả sử khắp cả châu Đại câu-lô ở phương Bắc đó, hoặc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc chư Độc giác cũng đầy đặc trong đó, không có chỗ hở như rừng mía... Nếu có một người đối với Thánh chúng đó, trọn đời cung kính, phụng sự cúng dường, dâng cúng y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men thượng diệu và các vật dụng khác và đối với mỗi vị ấy sau khi Niết-bàn, đúng như pháp thiêu thân, thâu lấy xá-lợi, dựng tháp cao lớn, trang hoàng, dùng hương thoa, hương bột, hương xông, tràng hoa, cờ lọng đẹp nhất, cờ báu, âm nhạc, đèn đuốc thắp sáng, khen ngợi cúng dường, vậy theo ý ông thì sao? Phước đức phát sinh do nhân duyên này có nhiều chăng?
A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A-nan:
–Ngoài châu Đại câu-lô ở phương Bắc này ra, Thiên chủ Đế Thích có đài lầu lớn. Đài này nương vào tám vạn bốn ngàn trụ báu đẹp. Mỗi trụ báu được che phủ bằng đủ loại lưu ly xanh, diệu bảo, dây ngọc cõi trời, dùng sỏi vàng để rải, dùng nước thơm để tưới. Đài này chung quanh có tám vạn bốn ngàn cửa sổ bằng diệu bảo. Mỗi cửa sổ đều có đủ các loại rèm bằng lưu ly xanh, ngọc báu đẹp rủ xuống, trải sỏi vàng, rưới nước hương. Đài này lại có tám vạn bốn ngàn gác canh; mỗi gác canh được che phủ bằng đủ loại lưu ly xanh, dây ngọc diệu pháp cõi trời, rải bằng sỏi vàng rưới bằng nước hương. Giả sử có thiện nam, thiện nữ nào tạo dựng gác lầu cao rộng đẹp đẽ giống như đài tầng báu đẹp của Thiên đế Thích cúng dường cho chúng đại đức Tăng bốn phương, thì theo ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ ấy, phước đức phát sinh do nhân duyên này có nhiều chăng.
A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thệ, rất nhiều!
Thế Tôn bảo A-nan:
–A-nan! Ngoài bốn châu và đài lầu báu của Thiên đế Thích ra, nếu hoặc có thiện nam, thiện nữ có thể tạo trăm ngàn ức gác lầu cao rộng đẹp đẽ đều như đài lầu báu đẹp của Thiên đế Thích, cúng dường chúng đại đức Tăng bốn phương; lại có thiện nam, thiện nữ, sau khi chư Như Lai Niết-bàn, xây dựng tháp, kích thước thấp như quả Am-ma-lặc, đem xá-lợi của Phật nhỏ như hạt cải đặt vào tháp, trụ chống như cây kim lớn, trên trụ đặt tướng luân như lá táo, hoặc tạo tượng Phật thấp như cây lúa, thì đối với phước trước so với phước này, trong trăm phần không bằng một phần, trong ngàn phần, trăm ngàn phần, số phần, nhiều phần, vạn phần, ví dụ phần cho đến Ô-bani-sát-đàm phần, cũng không bằng một phần. Vì sao? Này A-nan! Vì phước trước tuy nhiều nhưng không thể bằng một phần, bởi các Đức Như Lai ở trong ba đại a-tăng-kỳ kiếp, tu tập vô lượng giới, định, tuệ và giải thoát, giải thoát tri kiến đều viên mãn, vì Như Lai đạt được vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả, ở trong mười phương, sáu cõi dùng Thần thông giáo hóa đều đầy đủ, vì Như Lai được vô lượng Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ và các công đức khác đều viên mãn, vì thế nên biết, nếu tạo hình tượng Phật và xây cất tháp lớn, thì phước đức đạt được không thể nghĩ bàn, không thể tỷ dụ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Ông hãy cung kính thọ trì pháp môn này.
A-nan bạch:
–Bạch Thế Tôn! Con xin cung kính thọ trì. Pháp môn vừa nói đó chưa được nói rõ tên là gì và con sẽ phụng hành như thế nào?
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Pháp môn này tên là Thậm Hy Hữu, có thể làm cho chúng sinh gieo trồng tất cả các pháp thanh tịnh viên mãn. Ông hãy lấy danh hiệu này thọ trì. Này A-nan! Ta từ xưa đến nay đã từng giảng nói khắp cho vô số Trời, Rồng, Dạ-xoa, cho đến Nhân phi nhân... tuyên thuyết khai thị pháp môn như vậy. Vì sao? Vì Thế Tôn muốn làm cho các loài chúng sinh đó đối với Như Lai không điên đảo, cung kính gieo trồng các căn lành, đêm dài giữ gìn được lợi ích an vui, mau thành Vô thượng Bồ-đề.
Lúc ấy, Bạc-già-phạm nói kinh này xong, Tôn giả A-nan và chúng đại Tỳ-kheo, vô lượng Bồ-tát, Trời, Người, A-tu-la... nghe Đức Phật giảng nói, hết sức vui mừng, tin nhận phụng hành.
KINH THẬM HY HỮU
|