VT0282
KINH CÁC BỒ-TÁT CẦU HỌC BẢN NGHIỆP
Hán dịch: Đời Tây Tần, Ưu-bà-tắc Nhiếp Đạo Chân.
Việt Dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Bồ-tát Nhược-na-sư-lợi hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Vì sao người ta không tìm được chỗ hay dở về thân, khẩu, ý của Bồ-tát? Vì sao thân không làm theo việc hay dở của người khác, miệng không nói việc hay dở của người khác, ý không nhớ đến việc hay dở của người khác. Giữ gìn hành động nơi thân, lời nói của miệng, ý niệm của tâm, các hàng A-la-hán, Bích-chi-phật, cùng trời, người trong thế gian cũng không thể biết được thân, khẩu, ý nghiệp; không ai sánh bằng, không ai có thể lay chuyển được thân, khẩu, ý nghiệp; không ai có thể hại được thân, khẩu, ý nghiệp; thân, khẩu, ý nghiệp đều được thành tựu toại nguyện; thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh sạch trong; thân, khẩu, ý nghiệp hành theo trí tuệ ở trong đầu. Lúc thọ sinh thân xinh đẹp, có trí tuệ, biết bố thí, đẹp hơn mọi người, sinh trong nhà hào quý, sắc mặt đẹp, tướng lành khác với mọi người, ý nghĩ vững chắc, luôn ghi nhớ không quên, không có gì để luyến tiếc, dũng mãnh tài trí, tôn quý trong hàng dũng mãnh; dũng mãnh trong hàng dũng mãnh, vô địch trong hàng dũng mãnh. Sự nghị luận sâu xa cùng tột khôn lường, không thể tính đếm được, không thể sửa sang được, không ai thắng được, yêu thích kinh Phật. Đó đều do sức mạnh từ đời trước đưa đến, nói năng được mọi người tin tưởng, không ai không kính thuận, thân hành thanh tịnh, hiểu rõ các kinh đã xem, lắng tâm, điều phục ý, suy xét hiểu rõ, nhớ nghĩ, nhập thiền định, ra vào trong năm ấm, nhập vào trong bốn việc, ba việc, mười hai việc, nhập vào trong phước đức sinh ra từ quá khứ, hiện tại, vị lai; nhập vào trong bảy Giác ý, trong hư không vô thường, không đen tối chướng ngại, nhập vào trong kinh sáu Ba-la-mật; đầy đủ niệm lành Từ bi, thương xót; tâm không có chỗ yêu ghét; nhập vào trong mười tuệ lực; được Phạm thiên, Đế thích, A-tu-luân, quỷ, thần, rồng cúng dường; bảo hộ chúng sinh trong mười phương; những người lo sợ đều quay về nương tựa và được giải thoát; những người kinh hãi gặp nạn bất ngờ đều được an ổn; chiếu sáng mười phương như ánh sáng của đèn đuốc, như nước lớn, như mặt trăng, mặt trời, đưa chúng sinh qua bờ giải thoát; như thuyền bè đưa người; như người thầy dẫn đường trong đoàn thuyền; là bậc tối tôn, tối kính, tối lành, sáng suốt bậc nhất trong loài người, trời và đủ các loại côn trùng; khắp trong đại chúng, đó là sức mạnh duy nhất được tôn trọng, cao tột không ai sánh bằng. Như vậy tất cả các pháp đó do đâu có?
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ-tát Nhược-na-sư-lợi:
–Hay thay! Hay thay! Những lời Nhân giả hỏi; chứng tỏ Nhân giả là người có tâm Từ bi lớn, độ thoát nhiều, nên hỏi những lời ấy. Những gì Nhân giả hỏi đều có liên quan đến thân, khẩu, ý nghiệp của Bồ-tát. Sự thi hành công đức tất sẽ đạt được, chưa bao giờ tăng giảm. Chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều từ đây mà thành tựu, cũng từ đây làm cho chúng sinh an ổn, lắng nghe, thọ trì, kinh pháp giảng thuyết, để diệt trừ hết nghiệp ác đời trước; thọ trì được kinh điển, sẽ có được những gì đều là tốt đẹp vui vẻ, không ai sánh bằng Phật tử khi thực hành đạo lớn, đều phải có những việc như vậy.
Lúc ở trong pháp tại gia Bồ-tát nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không bị ái dục trói buộc, để được vào pháp hư không. Bồ-tát hiếu thuận, khi cúng dường cha mẹ, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm đạt Phật đạo, sẽ độ thoát chúng sinh trong mười phương. Bồ-tát khi sống cùng vợ con, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, nếu có khởi lên những ái dục thì sẽ được tiêu trừ. Bồ-tát khi ở nhà nên nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, thoát khỏi ái dục, đạt đạo giải thoát. Bồ-tát ở nhà vui chơi, tạo ra âm nhạc, nên nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, nghe thọ kinh điển vui thích, như nghe tiếng nhạc của ta tạo ra vậy. Bồ-tát khi mang bảy báu, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, vứt bỏ những gánh nặng, được ngơi nghỉ. Bồ-tát khi vui chơi với thể nữ, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được nhập vào trong kinh Phật, bỏ hẳn dâm dục. Bồ-tát ở trên lầu, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được lên nơi giảng đường nghe kinh Phật, thọ trì kinh điển không ai sánh bằng. Bồ-tát lúc bố thí, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, thích bố thí những vật mình có mà không tham tiếc. Bồ-tát khi ân ái với vợ, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm thoát khỏi đường ác dâm dục, làm cho hiểu biết, thâm nhập vào pháp hư không. Bồ-tát chán ghét cảnh gia đình, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm được giải thoát, không bị trói buộc. Bồ-tát khi bỏ nhà, học đạo, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được ra khỏi, không ai trở vào vòng ái dục, không ai còn tham tiếc nữa. Bồ-tát khi đến chùa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều luôn niệm Phật, thâm nhập kinh điển không bị tăm tối chướng ngại. Bồ-tát lúc gặp Hòa thượng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều đạt được tâm niệm lành, không có gì là không được, thâm nhập chánh kinh. Bồ-tát xin làm Sa-môn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều đến được nơi cần đến, không hối hận, dừng bỏ. Bồ-tát khi bỏ y phục thế tục, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được soi sáng ở trong công đức, để không ai biếng nhác. Bồ-tát khi mặc casa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều không bị ô nhiễm, giữ tâm như Phật. Bồ-tát khi cạo bỏ tóc, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều trừ hết ô trược mà không bị trở lại. Bồ-tát làm bậc đại Sa-môn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được ở lâu trong Câu-xá-la Ba-la-mật, tất sẽ thông đạt kinh. Bồ-tát khi làm Sa-môn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều có thể được làm Sa-môn để độ chúng sinh như chư Phật. Bồ-tát khi giữ giới, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được hộ trì giới cấm, không hủy phạm chánh pháp. Bồ-tát khi thọ nhận làm Hòa thượng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều biết việc tu thiền, để vượt qua tất cả, không hề bị tối tăm làm chướng ngại. Bồ-tát khi làm thầy, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều hành động theo giáo pháp, gìn giữ mãi không dám coi thường hay để mất. Bồ-tát tự quay về với Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều vui vẻ, ưa thích Phật pháp, để được sinh vào nơi tốt đẹp nhất. Bồ-tát tự quay về với kinh điển, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được nhập vào tạng pháp thâm diệu, đạt trí tuệ như biển lớn. Bồ-tát tự quay về với chúng Tăng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được nương tựa, độ thoát như Tỳ-kheo tăng, được nương vào sự an lạc nơi đạo đức của Phật. Bồ-tát khi mở cửa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều sớm mở được cửa cõi trời, vào trong cửa kinh Phật mà không ai còn trở ra, tự mình đến Niết-bàn của Phật. Bồ-tát khi vào phòng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được độ thoát, chỗ ở mau gần như chỗ Phật, mau hiểu được kinh sâu xa, hàng A-la-hán, Bích-chi-phật không so sánh kịp. Bồ-tát khi đóng cửa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm đóng được cửa đường ác, đốt hết nghiệp ác đời trước. Bồ-tát khi trải dụng cụ để nằm, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm thâm nhập kinh Phật, thấy chúng sinh trong mười phương là rỗng lặng. Bồ-tát khi an tọa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được ngồi an ổn như Phật an tọa trên tòa Sư tử nhưng không khiến tâm tham đắm. Bồ-tát khi ngồi ngay thẳng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều hội nhập vào công đức chân chánh, không ai nghi ngờ thêm bớt trong kinh Phật. Bồ-tát khi hít thở, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều hít thở trong chánh định. Bồ-tát khi nhớ nghĩ và quán sát, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều luôn suy nghĩ pháp là vô thường. Bồ-tát khi đứng dậy, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, khi đã thấy pháp là rỗng lặng thì hiểu rõ tất cả. Bồ-tát khi bước chân đi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều ở được nơi an ổn, không bị dao động. Bồ-tát khi mặc nê-hoàn tăng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, giữ gìn được công đức, biết hổ thẹn với những gì có ở thế gian, sớm đạt Phật đạo. Bồ-tát khi buộc đai lưng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, buộc chặt được các công đức. Bồ-tát khi mặc y dưới, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, thêm nhiều công đức, thâm nhập kinh điển, để được giải thoát. Bồ-tát khi mặc y trên, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được thường lạc, luôn thích kinh Phật, không hề rời bỏ. Bồ-tát khi cầm tích trượng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được học kinh điển, đều được trong sạch. Bồ-tát khi đánh răng, súc miệng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, trừ hết nhơ uế, để được trong mát, được an trụ thanh tịnh. Bồ-tát khi đi qua đi lại, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều trừ hết tội ác, đoạn hẳn dâm dục, sân hận, ngu si. Bồ-tát đến chỗ có nước, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều đi trong kinh Phật, đều được trong sạch. Bồ-tát khi lấy nước, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được tâm nhu hòa, an vui, cẩn thận, trong sạch. Bồ-tát khi rửa tay, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được tay đẹp mềm mại, giữ gìn kinh điển, đạo pháp. Bồ-tát khi rửa mặt, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được thâm nhập kinh Phật, mặt không vết bẩn. Bồ-tát khi đi ra cửa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều sớm được toại nguyện, không có tối tăm nào làm chướng ngại. Bồ-tát khi hướng về đạo, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm thành Phật, không còn đọa lạc. Bồ-tát hành đạo, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, thâm nhập vào kinh sâu xa không cùng, thân thể thanh tịnh, không có gì chướng ngại. Bồ-tát khi lên núi hành đạo, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều vui thích kinh Phật, không bao giờ chán ghét. Bồ-tát khi xuống núi hành đạo, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều thâm nhập vào đạo lớn của Phật, quý trọng trí tuệ. Bồ-tát đi trên đường quanh co, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không còn niệm tà, không nói lời ác. Bồ-tát đi trên đường thẳng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, tâm luôn suy nghĩ Chánh đạo, không dua nịnh. Bồ-tát thấy đường đầy bụi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, bỏ hết dục vọng, được đường sáng suốt. Bồ-tát thấy bụi lấp đầy đường, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được tâm nhu mềm mại, được nhiều sự thương yêu. Bồ-tát thấy cây rợp mát, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, trừ hết pháp ác, một cách thông suốt thâm nhập hiểu rõ được kinh Phật. Bồ-tát thấy giảng đường, tinh xá, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, được vào đó nghe nhận kinh pháp. Bồ-tát thấy cây lớn ở rừng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều quay về chiêm ngưỡng cúng dường; trời, người cũng đều như thế. Bồ-tát thấy núi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều có thể nghĩ tài cao, là để sáng tỏ pháp công đức, không ai thắng được. Bồ-tát thấy cây gai, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, nhanh chóng xa lìa dâm dục, sân hận, ngu si. Bồ-tát thấy cây lá, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được Đạo che chở, để đạt thiền định, nhập Tam-muội. Bồ-tát thấy cây hoa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều trang nghiêm thân bằng ba mươi hai tướng tốt. Bồ-tát thấy cây trái, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được hoa trái, đầy đủ như trong kinh Phật. Bồ-tát thấy nước chảy, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều nhập vào vực sâu của kinh Phật, đạt trí Phật. Bồ-tát thấy giếng nước, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, sớm mở cửa kinh pháp, đạt một vị giải thoát không khác. Bồ-tát thấy sóng nước, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều đầy đủ trí đạo, mở cửa đi vào trong pháp công đức. Bồ-tát thấy dòng suối, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều có thể giải được những câu hỏi của bậc trí tuệ, để hiểu được cái đạo trong kinh Phật. Bồ-tát thấy nước lớn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, giữ chặt được pháp công đức, không bao giờ hết, không cho ai vượt hơn. Bồ-tát thấy cây cầu, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được kinh điển độ thoát, như người qua cầu, không dừng nghỉ. Bồ-tát thấy nhà cửa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, xa lìa được ái dục, biết hết tâm niệm của chúng sinh. Bồ-tát thấy vườn cây, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, tâm không bị trói buộc, không ham thích nhạc ngũ âm và năm sự suy xét. Bồ-tát thấy vườn trái, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không buồn lo, hiểu được gốc rễ sâu xa của trí. Bồ-tát thấy công viên, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều tinh tấn, không rời bỏ kinh Phật. Bồ-tát thấy đại chúng trang nghiêm ra đi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt. Bồ-tát thấy người buồn khổ, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, mọi sầu lo đều không thể trở lại. Bồ-tát thấy người đang vui, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều vui thích kinh điển sâu xa. Bồ-tát thấy người không vui, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không đắm chìm những ân ái. Bồ-tát thấy người an ổn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được an ổn như sự an ổn của Phật. Bồ-tát thấy người khổ đau, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, dứt trừ hết đau khổ, thấy được đạo chân chánh. Bồ-tát thấy người khỏe mạnh, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được thân thể khỏe mạnh như Phật, thân thể luôn tráng kiện. Bồ-tát thấy người bệnh, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều nghĩ đến vô thường, vào trong pháp rỗng lặng, hiểu rốt ráo kinh Phật, không còn đọa lạc. Bồ-tát thấy người xinh đẹp, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được ưa thích Phật pháp. Bồ-tát thấy người xấu, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không đọa trong cõi xấu ác. Bồ-tát thấy người báo ân, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều báo ân các Bồ-tát. Bồ-tát thấy người không báo ân, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều không tham lam, chỉ dẫn cho họ con đường chánh. Bồ-tát thấy Sa-môn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều thọ trì hết các kinh để đạt được sự rốt ráo. Bồ-tát thấy người ngoại đạo, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, dứt trừ hết các gốc, rễ ác, hiểu rốt ráo kinh điển. Bồ-tát thấy người tu tiên, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được toại nguyện, thành tựu được mọi việc làm. Bồ-tát thấy người mặc áo giáp, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều thọ nhận đầy đủ áo giáp ở trong kinh Phật. Bồ-tát thấy người ngu độn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được thông minh tráng kiện, hành động không rơi vào đường ác. Bồ-tát thấy người giảng kinh, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được nghe hiểu, trí tuệ sáng tỏ. Bồ-tát thấy vua chúa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều tự cho mình là vua trong kinh điển, để tự nhiên chuyển kinh thuyết pháp không dừng nghỉ. Bồ-tát thấy thái tử, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều có thể làm Phật tử, thường hóa độ chúng sinh như ở trong kinh pháp. Bồ-tát thấy quan thần, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều hiểu rõ nghĩa lý sâu xa trong kinh, ai cũng biết và hành theo. Bồ-tát gặp sứ giả, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều nghĩ đến việc đúng, không làm ác, không lánh xa các Bồ-tát. Bồ-tát thấy thành thị, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều có thân thể đẹp, hiền lành không ai bằng hay hơn được. Bồ-tát thấy cung điện, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, thích làm sáng rõ tâm, luôn nghĩ đến việc tu sửa tướng lành công đức. Bồ-tát thấy người cầm tích trượng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều làm những điều lành, được mọi người tôn ngưỡng, thích bố thí, dạy xem bố thí là pháp lành. Bồ-tát mang bình bát, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, bố thí và cúng dường để được công đức khôn lường. Bồ-tát khất thực, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều vào trong chỗ Phật pháp, không ai bỏ mất cơ hội. Bồ-tát vào cửa nhà thế tục, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều vào được cửa Phật pháp. Bồ-tát vào nhà, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được nhập vào trong trí tuệ Phật. Bồ-tát chưa thọ thực, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không tai nạn trái ngang, đều nhập vào trong kinh Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát chưa nhận thức ăn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không còn đọa vào trong đường ác, địa ngục, cầm thú, quỷ đói, bị giam cầm khổ sở. Bồ-tát thấy bát không, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, không sống trong ái dục. Bồ-tát thấy bát đầy, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều đầy đủ công đức. Bồ-tát nhận bát cơm, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, luôn luôn phụng thờ và làm những việc Phật đạo. Bồ-tát thấy người biết hổ thẹn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều biết xấu hổ đối với ái dục. Bồ-tát thấy người không biết hổ thẹn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, dứt bỏ sự tổn hại của suy nghĩ ác, để được yêu thương. Bồ-tát được thức ăn ngon, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, được như ý nguyện, thành tựu tất cả, tâm không nhơ uế. Bồ-tát được thức ăn dở, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương đều có tâm nhu hòa mềm mại thương yêu.
Bồ-tát ăn cơm, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều đầy đủ thức ăn như thiền định, no bằng Phật pháp. Bồ-tát ăn thức ăn, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, được no đủ các món thức ăn, biến hóa các vị ngon trong cổ họng của Phật, khiến cho biết được kinh điển là cam lộ. Bồ-tát ăn đủ rồi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, thành tựu được mọi việc, thâm nhập Phật tận quá khứ. Bồ-tát giảng kinh chú nguyện, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều từ đạo pháp giảng thuyết mà thâm nhập Phật pháp đến không cùng tận. Bồ-tát giảng kinh, chú nguyện xong rồi đi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều thoát khỏi sắc chất của ba cõi, đạt trí tuệ Phật, biết rõ pháp không, vô thường. Bồ-tát vào trong nước, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều thâm nhập vào trong trí tuệ của Phật; quá khứ, vị lại, hiện tại đều bình đẳng. Bồ-tát tắm rửa, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, trừ hết cấu uế của tâm, đến nơi vô cùng sáng suốt. Bồ-tát thấy trời nóng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều vượt khỏi sự nóng bức. Bồ-tát thấy trời lạnh, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được ngơi nghỉ, được chỗ mát mẻ tươi sáng. Bồ-tát thấy người tụng kinh, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều hiểu kinh pháp, mong cầu được các trí, nắm vững các tuệ. Bồ-tát thấy Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều gặp Phật, tâm không chướng ngại. Bồ-tát chiêm ngưỡng Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, có mắt sáng, nhìn khắp mọi nơi không chướng ngại. Bồ-tát cúi đầu lạy sát chân Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, từ cõi trời đến cõi người, đều không thấy được nhục kế của Phật. Bồ-tát lạy xong đứng lên, chiêm ngưỡng Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều thực hành kinh pháp không ai sánh bằng. Bồ-tát nhiễu quanh Phật một vòng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều làm lành, làm cho kinh điển được rõ ràng rốt ráo. Bồ-tát nhiễu quanh Phật ba vòng, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, luôn dũng mãnh làm lành, không xa lánh Phật đạo. Bồ-tát khen ngợi oai thần công đức của Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, được oai thần và công đức không thể lường được cứu độ hết. Bồ-tát rửa chân, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được thần túc để suy nghĩ, được tự tại bay đi, không có gì làm chướng ngại. Bồ-tát khen ngợi tướng đẹp của Phật, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều có thân tướng như Phật. Bồ-tát nằm ngồi, nghĩ: Mong cho chúng sinh trong mười phương, đều được trí tuệ của Phật, đạt Mười Lực. Đó là đạo mà Bồ-tát luôn thực hành.
Khi ấy, trong cõi Phật Thích-ca Văn, có trăm ức chư Thiên, Thích-đề-hoàn-nhân thuộc cõi trời Đao-lợi, đều có ý muốn thỉnh Phật. Họ dùng bảy báu làm tòa Sư tử trong cung điện đẹp để cúng Phật, dùng vải đẹp đủ màu trải trên tòa, ở những chỗ tiếp giáp có những tấm rèm trướng đẹp rũ xuống. Biết việc ấy, Đức Phật dùng oai thần phân thân làm cho ở bên ngoài mỗi cửa của trăm ức chư Thiên, Thích-đề-hoàn-nhân thuộc cõi Đao-lợi, đều có một thân Đức Phật; ở mỗi Đức Phật có Bồ-tát hầu; chư Thiên, Thích-đề-hoàn-nhân đều vui vẻ, ra nghinh đón, đảnh lễ, thỉnh Phật vào. Đức Phật cùng Bồ-tát đi vào; Đức Phật đến ngồi trên tòa đẹp, có trướng rũ ở giữa với sắc xanh đỏ thật đẹp. Bồ-tát cũng ngồi trên các tòa Sư tử bằng hoa sen bảy báu đẹp đẽ các góc có trướng rũ. Đức Phật và Bồ-tát, lúc này cũng có mặt ở trong trăm ngàn cõi nước nhỏ, oai thần vững chãi, các Bồ-tát ở mười phương cũng đều đến trong hội. Đó là, các Bồ-tát Đàm-muội-ma-đề, Sư-lị-ma-đề, Câu-na-ma-đề, Đọa-dạ-mađề, Sa-đầu-ma-đề, Nhược-na-ma-đề, Sa-giá-ma-đề, A-ca-ma-đề, Sala-ma-đề, Tát-hòa-ma-đề…
KINH CÁC BỒ-TÁT CẦU HỌC BẢN NGHIỆP
|