佛山* Buddha Mountain * Phật Sơn

Calgary Alberta Canada

 TRANG CHỦ*--KINH ĐIỂN*--ĐẠI TẠNG KINH*--THẦN CHÚ*--HÌNH ẢNH*--中文*--ENGLISH

 VT0281

KINH BẢN NGHIỆP CỦA BỒ-TÁT

Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nhục Chi.

Việt Dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nghe như vầy:

Một thời, Phật đi đến đạo tràng Ma-kiệt, khi vừa đắc quả Phật, hào quang rực sáng, ngồi nơi tòa Sư tử hoa sen báu tự nhiên của chư Phật trong quá khứ đã ngồi. Đạo đức, oai nghi, tướng tốt, hoàn toàn như nhau, thân, ý thanh tịnh, phước hạnh đủ khắp. Ánh sáng chiếu suốt khắp pháp giới cõi con người, từ quá khứ, hiện tại đến vị lai không hề ngăn ngại, thành tựu ở đời, tất cả đều như nhau.

Lúc này ở trong hội, các Bồ-tát đều là bậc Nhất sinh bổ xứ, thần thông đạt đến chỗ cao tột biến khắp mười phương, chỉ dẫn đường tốt cho chúng sinh, mở bày tạng pháp của chư Phật, chỉ dạy con đường Niết-bàn, thâm nhập vào căn tánh của mỗi người; trí đức đời trước, phương tiện được vận dụng khéo léo, dạy bảo dần dần rồi hiểu rõ các pháp trong và ngoài, trước sau không dao động, biết được tất cả cảnh giới chư Phật, sự phân biệt cũng không còn, khen ngợi các danh hiệu Phật, xưng tụng không thể hết. Tất cả sự việc trong ba đường ác, cũng đều thông suốt, các Bồ-tát cùng khen ngợi: “Phật vì nghĩ đến chúng ta mà phát ra chí nguyện lớn, biểu hiện cho chúng ta thấy tất cả cảnh giới tốt xấu của chư Phật và cõi nước thù thắng nơi Phật thường qua lại để giáo hóa và phát triển đạo pháp, thần thông chói sáng, chỉ dạy cho trời người hiểu rõ giáo pháp. Bản nghiệp của Phật là Thập địa, Thập trí, Thập hạnh, Thập đầu, Thập tạng, Thập nguyện, Thập minh, Thập định, Thập hiện, Thập ấn, chặt đứt các lỗi lầm và các nghi ngờ vọng tưởng của chúng ta, vì chúng ta mà hiển hiện hạnh Phật, trí Phật, thần Phật, định Phật, tùy lúc mà hiến hóa vô lượng, luôn luôn tự tại. Bốn Vô sở úy, mười pháp Bất cộng, tất cả trí tuệ đều sáng suốt, đạo đức vô thượng, tất cả các việc ấy đều hiện bày rõ ràng.

Rất xa phương Đông

Có cõi Hương lâm

Phật Nhập Tinh Tấn

Bồ-tát Kính Thủ.

Rất xa phương Nam

Có cõi Lạc lâm

Phật Bất Xả Nhạo

Bồ-tát Giác Thủ.

Rất xa phương Tây

Có cõi Hoa lâm

Phật Tập Tinh Tấn

Bồ-tát Tuệ Thủ.

Rất xa phương Bắc

Có cõi Đạo lâm

Phật Hành Tinh Tấn

Bồ-tát Tuệ Thủ

Phương xa Đông bắc

Có cõi Thanh liên

Phật Bi Tinh Tấn

Bồ-tát Đức Thủ

Phương xa Đông nam

Có cõi Kim luân

Phật Tận Tinh Tấn

Bồ-tát Mục Thủ

Phương xa Tây nam

Có cõi Bảo lâm

Phật Thượng Tinh Tấn

Bồ-tát Minh Thủ

Phương xa Tây bắc

Có cõi Kim cang

Phật Nhất Thừa Độ

Bồ-tát Pháp Thủ 

Rất xa phương Dưới

Có cõi Thủy tinh

Phật Phạm Tinh Tấn

Bồ-tát Trí Thủ

Rất xa phương Trên

Có cõi Dục lâm

Phật Chí Tinh Tấn

Bồ-tát Hiền Thủ.

Bấy giờ, Bồ-tát Hiền Thủ dẫn đầu vô số những Thượng nhân cùng đi đến cúi đầu sát chân Phật, rồi ngồi trên tòa sen một bên Phật.

Khi ấy, Bồ-tát Kính Thủ nương thánh chỉ của Phật, khen:

–Sung sướng thay! Được gặp Thượng nhân đang hội họp là việc chưa từng có. Quán sát nơi Ngài đến: Cõi Phật là cõi thanh tịnh, cho đến việc ăn mặc của Như Lai cũng đầy giới đức, thể hiện sự tu hành vi diệu, thành tựu hiểu biết về căn lực, giảng dạy kinh pháp, được oai thần của Phật, tùy cõi sạch, nhơ mà độ người nhiều vô số, truyền giáo pháp đến khắp nơi. Ngay trong cõi Phật này, cõi nước của những người đặc biệt có đến trăm vạn ức; nào hiền, ngu, tốt, xấu, thọ, yểu cùng vô số ngôn ngữ khác nhau, họ đều nghe đức độ của Phật, đều tự tôn xưng danh hiệu Phật. Hoặc có người tôn xưng Phật là bậc Thánh giả nhân; người tôn xưng Phật là Đại Sa-môn; hoặc gọi Chúng Hựu, hoặc gọi Thần Nhân, hoặc khen Dũng Trí, hoặc khen Thế Tôn, hoặc gọi là Năng Nhu, hoặc gọi là Thăng Tiên, hoặc kêu Thiên Sư, hoặc kêu Tối Thắng. Chư Thiên, nhân dân trong mười phương, tôn xưng danh hiệu Phật bằng vô số vạn ức tên như vậy. Đấy là do những người này đều nhờ vào bản nguyện của Phật từ xưa đến nay đã tuyên bố, giáo hóa đạo pháp cho họ.

Bấy giờ, từ tướng dưới bàn chân, Phật phóng bánh xe ánh sáng, chiếu khắp các cõi nước nhỏ thuộc thế giới chư Phật. Ở một cõi nước nhỏ, có một núi Tu-di, một mặt trời, một mặt trăng, chiếu sáng xoay quanh bốn châu thiên hạ. Phía Đông là Phất-vu-lệ, phía Nam là Diêm-phù-đề, phía Tây là Câu-da-ni, phía Bắc là Uất-đơn-việt. Chung quanh bốn biển lớn, có tường sắt bao bọc, ở trên có hai mươi tám tầng trời. Như vậy, làm thành một cõi nước nhỏ, khắp cả mười phương họp lại, có cả trăm ức cõi nước nhỏ như vậy.

Bấy giờ, lại hiện ra trăm ức núi Tu-di, trăm ức mặt trời, mặt trăng và các cõi trời như trời Tứ Thiên vương, trời Đao-lợi, trời Diệm ma, trời Đâu-thuật, trời Bất khiếu nhạo, trời Hóa ứng thanh, trời Phạm thiên, trời Phạm chúng thiên, trời Phạm phụ, trời Đại phạm, trời Thanh minh, trời Thủy hành, trời Thủy vi, trời Thủy vô lượng, trời Thủy âm, trời Ước tịnh, trời Biến tịnh, trời Tịnh minh, trời Thủy diệu, trời Vi diệu, trời Quảng diệu, trời Cực diệu, trời Phước ái, trời Ái thắng, trời Cận tế, trời Thiện quán, trời Khoái kiến, trời Vô kết ái, trời Thức tuệ thiên, trời Vô sở niệm tuệ, cho đến trời Vô sắc thứ hai mươi tám. Có cả trăm ức cõi nước nhỏ như vậy làm thành một cõi Phật, gọi là thế giới Nhẫn. Đức Phật Thích-ca Văn, phân thân thành trăm ức thân, biến đầy khắp ở trong đó.

Khi ấy, khắp cõi trời người đều thấy các cõi nước nhỏ, chư Phật, Bồ-tát như đang ở gần nhau.

Phẩm HẠNH NGUYỆN

Bồ-tát Trí Thủ hỏi Bồ-tát Kính Thủ:

–Nhân giả tu hạnh gì mà được thành tựu thánh đạo của Phật, thân, khẩu, ý trong sạch, không nghĩ điều xấu của người, cũng làm cho mọi người không phạm các lỗi đó, nhân từ rộng lớn, nội tính quang minh sáng suốt, đặc biệt vượt hẳn lên trên, để giác ngộ cho hàng đệ tử, tất cả tà vạy không thể làm lay động, thân thể đoan chánh, các tướng không ai sánh bằng, dòng họ tôn quý, biết kính trọng Phật pháp, tự giữ vững chí hướng, thường thực hành Tứ đẳng, tài cao, trí tuệ rõ suốt, tinh tấn dũng mãnh, tu học theo các căn bản đạo đức, đầy đủ các pháp Ba-la-mật, đã làm vô lượng các việc, thường sinh chỗ phước đức, nghe nói tin theo, tâm ý ngay thẳng, nhập thiền định, thâu giữ các niệm, hiểu rõ lợi ích của các pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, xuất ra nhập vào bốn đại; năm ấm, sáu nhập, mười hai duyên khởi, bảy Giác chi không trở ngại, thông hiểu mười Trí lực, thể nhập tất cả các đường, giải cứu nguy ách, được Thích, Phạm cung kính, như đèn đuốc trừ diệt sự tối tăm; như mặt trời, mặt trăng soi sáng khắp thiên hạ, như thuyền trưởng cứu độ mọi người, đức hạnh vượt ba cõi và làm người đứng đầu, muốn thành tựu đạo như vậy, phải tu tập như thế nào?

Bồ-tát Kính Thủ đáp:

–Lành thay! Phật tử, chí ngưỡng mộ cao xa, tâm từ bi rộng lớn, thương xót mười phương. Nếu thiện nam, thiện nữ muốn thành đạo, trước hết thân phải ngay thẳng, lời nói và ý nghĩ phải đi đôi, miệng học tập kinh điển, tâm nghĩ đến việc đáng làm; đổi cũ, sửa mới, không thoái ý đạo; dồn chứa đức lành, ban ân không mỏi mệt, được như thế thì học hỏi điều gì cũng đều có thể được.

Là Bồ-tát, cần phải học một cách đúng đắn, theo như giáo Phật pháp dạy, không được thêm bớt, lấy thệ nguyện làm chủ yếu, luôn nghĩ đến việc an vui cho thế gian, nguyện phụng thờ giới hạnh, để lập căn bản đạo đức.

Tại gia giữ giới

Nên nguyện chúng sinh

Hiểu rõ tham dục

Vào trong pháp Không.

Hiếu thờ cha mẹ

Nên nguyện chúng sinh

Giúp cho tất cả

Khiến được Phật đạo.

Dạy bảo vợ con

Nên nguyện chúng sinh

Ra khỏi ngục ái

Tâm không lưu luyến.

Nếu được năm dục

Nên nguyện chúng sinh

Vào pháp thanh tịnh

Tâm không tham đắm.

Ở nơi kỹ nhạc

Nên nguyện chúng sinh

Được hưởng pháp lạc

Nhẫn là hoan hỷ.

Đeo báu anh lạc

Nên nguyện chúng sinh

Trút bỏ gánh nặng

Luôn được vừa ý.

Thấy các thể nữ

Nên nguyện chúng sinh

Vứt bỏ sắc ái

Dâm dật không còn.

Nếu lên lầu gác

Nên nguyện chúng sinh

Như lên pháp đường

Lãnh thọ kinh Phật.

Thân ở trong phòng

Nên nguyện chúng sinh

Biết rõ đường ác

Không có gì vui.

Bố thí của cải

Nên nguyện chúng sinh

Làm phước giúp nghèo

Chẳng còn tham tiếc.

Nhàm chán gia đình

Nên nguyện chúng sinh

Mau được giải thoát

Không còn trói buộc.

Nếu bỏ xuất gia

Nên nguyện chúng sinh

Xa lìa tội lỗi

Theo chánh được yên.

Vào điện thờ Phật

Nên nguyện chúng sinh

Gần Phật hành pháp

Không còn trở ngại.

Đến chỗ thầy bạn

Nên nguyện chúng sinh

Hiểu rõ đúng đắn

Sẽ được như nguyện.

Cầu xin xả tội

Nên nguyện chúng sinh

Được chí thành tựu

Học không bị lỗi.

Cởi bỏ bạch y

Nên nguyện chúng sinh

Rõ đường tu đức

Không còn biếng nhác.

Mặc áo ca-sa

Nên nguyện chúng sinh

Áo pháp thực hành

Tâm không nhiễm nhơ.

Cạo bỏ râu tóc

Nên nguyện chúng sinh

Bỏ trang sức đẹp

Không còn lo toan

Đã làm Sa-môn

Nên nguyện chúng sinh

Thực hành ý Phật

Hướng dẫn thiên hạ.

Thọ giới thành tựu

Nên nguyện chúng sinh

Được đạo phương tiện

Trí tuệ Bát-nhã.

Giữ gìn cấm giới

Nên nguyện chúng sinh

Vâng giữ Phật pháp

Không phạm giáo pháp.

Được Hòa thượng dạy

Nguyện cho chúng sinh

Được như thiền định

Giải thoát suy nghĩ.

Học thầy lớn nhỏ

Nguyện cho chúng sinh

Nương thánh giáo Phật

Học không quên mất.

Tự quy y Phật

Nên nguyện chúng sinh

Hiểu rõ Đạo lớn

Phát tâm vô thượng.

Tự quy y Pháp

Nên nguyện chúng sinh

Vào sâu Kinh tạng

Trí tuệ như biển.

Tự quy y Tăng

Nên nguyện chúng sinh

Nương tựa Thánh chúng

Theo chánh được độ.

Phàm mở cửa nẻo

Nên nguyện chúng sinh

Mở bày đạo pháp

Đến chốn Niết-bàn.

Đóng bít cửa nẻo

Nên nguyện chúng sinh

Che lấp đường ác

Tội được trừ sạch.

Vào nhà nên nguyện

Tất cả chúng sinh

An ổn vắng lặng

Tâm được chỉ quán.

Trải gường nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Vào đạo Đại thừa

Giúp an thiên hạ.

Khi ngồi nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Ngồi cây Bồ-đề

Tâm không vướng mắc.

Nhập chúng nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Thành Giới, Định, Tuệ

Giải thoát tri kiến.

Sổ tức nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Bỏ được gia đình

Không nghĩ thế gian.

Giữ ý nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Tâm không buông lung

Suy nghĩ không tạp.

Dậy sớm nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Rõ biết vô thường

Dốc tâm tin tấn.

Xuống gường nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Theo dấu chân Phật

Tâm không dao động.

Mặc áo nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Thường biết xấu hổ

Nhiếp ý giữ đạo.

Buộc đai nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Bó đai tu thiện

Chí không lười biếng.

Tiếp mặc áo trong

Nên nguyện chúng sinh

Cung kính, lo sợ

Không dám khinh thường.

Mặc áo pháp trên

Nên nguyện chúng sinh

Áo tiêu biểu thánh

Gắng tu đạo hạnh.

Đi đại, tiểu tiện

Nên nguyện chúng sinh

Trừ sạch ô uế

Không tham, sân, si.

Việc xong dùng nước

Nên nguyện chúng sinh

Nhu hòa, khiêm nhượng

Thanh tịnh siêng năng.

Dùng nước rửa sạch

Nên nguyện chúng sinh

Dùng pháp tự rửa

Không còn thói xấu.

Cầm tăm xỉa răng

Nên nguyện chúng sinh

Học được pháp cú

Vứt bỏ nhơ nhớp.

Đánh răng, súc miệng

Nên nguyện chúng sinh

Rửa sạch tánh tình

An trú thanh tịnh.

Rửa tay nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Được tay mềm sạch

Giữ gìn đạo pháp.

Rửa mặt nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Thường hướng thanh tịnh

Tâm không lầm lỗi.

Ra cửa nguyện cho

Tất cả chúng sinh

Mong được vượt qua

Ba cõi như Phật.

Lên đường nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Hướng đạo Vô thượng

Chí không thoái lui.

Đi đường nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Đến nơi vô tế

Không dừng nửa chừng.

Lên núi nên nguyện

Tất cả chúng sinh

Thích lên Thượng đạo

Không còn ngại khó.

Xuống núi nguyện cho

Tất cả chúng sinh

Thâm nhập rộng rãi

Trong pháp vi diệu.

Đi nơi đường cong

Nguyện cho chúng sinh

Bỏ ý tà vạy

Hạnh không ganh ghét.

Đi trên đường thẳng

Nguyện cho chúng sinh

Được ý chân chánh

Lời nói ngay thẳng.

Thấy gió thổi bụi

Nguyện cho chúng sinh

Tu hạnh sáng suốt

Tâm không rối loạn.

Thấy mưa thấm đất

Nguyện cho chúng sinh

Đại từ nhiếp ý

Không khởi các tưởng.

Dưới cây hóng mát

Nguyện cho chúng sinh

Buộc tâm tại đạo

Ý không mệt mỏi.

Vào trong đầm rừmg

Nguyện cho chúng sinh

Đạo rừng phải học

Dùng đức nuôi dưỡng.

Đi đường thấy núi

Nguyện cho chúng sinh

Chí được lớn cao

Tích đức không chán.

Đi thấy gai góc

Nguyện cho chúng sinh

Tiêu diệt ba độc

Không kẻ hại tâm.

Được cây lá tốt

Nguyện cho chúng sinh

Dùng Đạo tự che

Nhập thiền Tam-muội.

Cây hoa sum suê

Nguyện cho chúng sinh

Ba mươi hai tướng

Đẹp đẽ vẹn toàn.

Trái ngon, quả nhiều

Nguyện cho chúng sinh

Trồng cây đạo hạnh

Thành quả Vô thượng.

Thấy dòng nước chảy

Nguyện cho chúng sinh

Được rãnh nước chánh

Vào biển Phật trí.

Thấy các vũng nước

Nguyện cho chúng sinh

Tất cả công đức

Tuệ, hạnh đầy đủ.

Nếu thấy suối nước

Nguyện cho chúng sinh

Vào sâu trí Phật

Học hỏi vô cùng.

Xa trông sông biển

Nguyện cho chúng sinh

Vào sâu Phật tạng

Pháp là vô tận.

Thấy người múc nước

Nguyện cho chúng sinh

Mở tâm nhận Phát

Được đạo Nhất vị.

Đi qua cầu, đò

Nguyện cho chúng sinh

Dựng xây cầu Pháp

Không dừng độ người.

Thấy dọn vườn rau

Nguyện cho chúng sinh

Dọn cỏ nhơ nhớp

Không sinh rễ dục.

Thấy ruộng lúa tốt

Nguyện cho chúng sinh

Phước đức nở rộng

Không bị tai họa.

Thấy vườn rau tốt

Nguyện cho chúng sinh

Được giữ đạo pháp

Đầy đủ cùng khắp.

Thấy xóm trên gò

Nguyện cho chúng sinh

Thường ở nhân trí

Đi không nguy ngập.

Nhìn thấy giảng đường

Nguyện cho chúng sinh

Giảng đọc kinh pháp

Ngày càng thăng tiến.

Thấy người nhóm hợp

Nguyện cho chúng sinh

Được đầy công đức

Thành đệ tử Phật.

Thấy người nhàn rỗi

Nguyện cho chúng sinh

Điềm đạm vô vi

Thông thạo sách sử.

Được thấy Sa-môn

Nguyện cho chúng sinh

Nghe nhiều, đủ giới

Dạy người không mệt.

Thấy người khác đạo

Nguyện cho chúng sinh

Xả bỏ tà kiến

Vào tám Chánh đạo.

Được thấy tiên nhân

Nguyện cho chúng sinh

Ý hạnh đầy đủ

Ước mong thành tựu.

Đi đến thành quách

Nguyện cho chúng sinh

Giữ giới trọn vẹn

Tâm không thiếu khuyết

Xa thấy cổng thành

Nguyện cho chúng sinh

Thông minh chiếu xa

Điều lành dựng khắp

Nếu thấy Đế vương

Nguyện cho chúng sinh

Vâng lời Thánh dạy

Như lời chánh đạo

Thấy con Đế vương

Nguyện cho chúng sinh

Theo hạnh con Phật

Hóa sinh trong pháp.

Nếu thấy quan chức

Nguyện cho chúng sinh

Sáng tỏ lý đạo

Giúp ích thiên hạ.

Thấy các quan lại

Nguyện cho chúng sinh

Ngay thẳng hiền lành

Không tâm bạo ác.

Thấy mặc áo giáp

Nguyện cho chúng sinh

Mặc áo giáp pháp

Không trái bản nguyện.

Thấy người đần độn

Nguyện cho chúng sinh

Vững nơi đạo nghĩa

Thành bốn Vô úy.

Thấy người sầu khổ

Nguyện cho chúng sinh

Xa lìa sợ hãi

Không còn lo buồn.

Thấy người vui vẻ

Nguyện cho chúng sinh

Bỏ vui vô thường

Năm dục tự vui

Thấy người siêng năng

Nguyện cho chúng sinh

Được đạo Niết-bàn

Vượt khỏi nguy ách.

Thấy người an vui

Nguyện cho chúng sinh

An vui như Phật

Thanh thản không lo.

Thấy người bệnh tật

Nguyện cho chúng sinh

Biết thân chẳng có

Ý không khổ đau.

Thấy người mạnh khỏe

Nguyện cho chúng sinh

Được thân Kim cang

Không bị suy hao.

Thấy người xấu xí

Nguyện cho chúng sinh

Bỏ điều xấu ác

Dùng thiện trang sức.

Thấy người đoan chánh

Nguyện cho chúng sinh

Hạnh ý ngay thẳng

Ưa thích đạo pháp.

Thấy người báo ân

Nguyện cho chúng sinh

Nhớ ân Đức Phật

Tu hạnh Bồ-tát.

Thấy người bội ân

Nguyện cho chúng sinh

Hàng phục tâm, ý

Trừ sạch các ác.

Thấy người tham dục

Nguyện cho chúng sinh

Cho thiên hạ Pháp

Tâm không tham tiếc.

Đi cầm tích trượng

Nguyện cho chúng sinh

Nương gậy như pháp

Lưu bố đức hạnh.

Tay bưng bình bát

Nguyện cho chúng sinh

Nhận mà biết cho

Tu pháp sáu Độ.

Vào làng khất thực

Nguyện cho chúng sinh

Như cầu giới pháp

Không được nghi ngờ.

Đến cửa nhà người

Nguyện cho chúng sinh

Vào cửa Tổng trì

Thấy hết các pháp.

Vào phòng nhà người

Nguyện cho chúng sinh

Lên nhà Phật thánh

Hạnh sâu vi diệu.

Người không cúng dường

Nguyện cho chúng sinh

Được ý Bát-nhã

Không mong không tiếc.

Người dọn chưa xong

Nguyện cho chúng sinh

Lìa ba đường ác

Không tưởng đói khát.

Trao bình bát không

Nguyện cho chúng sinh

Đạt rốt ráo không

Không còn tánh dục.

Nhận đầy bình bát

Nguyện cho chúng sinh

Tất cả đầy đủ

Pháp khí của đạo.

Bưng bát cơm ăn

Nguyện cho chúng sinh

Vì pháp cúng dường

Chí ở đạo lớn.

Bên người ngay thẳng

Nguyện cho chúng sinh

Liêm khiết biết thẹn

Không quên việc làm.

Ngồi với người tham

Nguyện cho chúng sinh

Không có tướng xấu

Tâm tham hẹp hòi.

Được thức ăn ngon

Nguyện cho chúng sinh

Biết điều tiết dục

Tâm không đắm trước.

Được thức ăn dở

Nguyện cho chúng sinh

Biết thân huyễn pháp

Tốt xấu không khác.

Và cơm vào miệng

Nguyện cho chúng sinh

Được tất cả kinh

Pháp vị chư Phật.

Ăn uống nhiều vị

Nguyện cho chúng sinh

Mỗi vị như Phật

Hóa thành cam lồ.

Ăn cơm xong rồi

Nguyện cho chúng sinh

Đức hạnh tràn đầy

Thành đủ mười Lực.

Giảng kinh, thuyết pháp

Nguyện cho chúng sinh

Tâm chí rõ suốt

Nghe pháp chứng ngộ.

Chú nguyện cúng dường

Nguyện cho chúng sinh

Thông suốt mười hai

Bộ kinh của Phật.

Rời tòa đứng dậy

Nguyện cho chúng sinh

Rốt ráo tất cả

Được ba cam lộ.

Muốn lội vào nước

Nguyện cho chúng sinh

Sạch thân, khẩu, ý

Và sạch ba đường.

Tắm rửa thân thể

Nguyện cho chúng sinh

Xoá sạch tâm nhơ

Thấy bờ sinh tử.

Nóng bức thiêu đốt

Nguyện cho chúng sinh

Được định mát lành

Diệt tất cả khổ.

Băng giá rét buốt

Nguyện cho chúng sinh

Dứt trừ tâm ái

Không còn tình dục.

Đọc tụng kinh kệ

Nguyện cho chúng sinh

Hiểu rộng các pháp

Không để thiếu sót.

Nếu được thấy Phật

Nguyện cho chúng sinh

Thường được gặp Phật

Hành bảy Giác ý.

Thấy tranh ảnh Phật

Nguyện cho chúng sinh

Thấy khắp mười phương

Không bị ngăn ngại.

Khi lễ lạy Phật

Nguyện cho chúng sinh

Được đạo như Phật

Không ai vượt hơn.

Lạy rồi đứng dậy

Nguyện cho chúng sinh

Đều như ý Phật

Tôn quí vô thượng.

Muốn đi quanh tháp

Nguyện cho chúng sinh

Thi hành phước đức

Rõ suốt ý đạo.

Nhiễu tháp ba vòng

Nguyện cho chúng sinh

Được ý nhất hướng

Không lìa bốn vui.

Tụng kinh ca ngâm

Nguyện cho chúng sinh

Nhớ ân Đức Phật

Hành pháp cúng dường.

Tán thán chư Phật

Nguyện cho chúng sinh

Thần lực sáng suốt

Như Pháp thân Phật.

Chiều đến rửa chân

Nguyện cho chúng sinh

Được bốn Thần túc

Đi khắp mười phương.

Ban đêm ngủ nghỉ

Nguyện cho chúng sinh

Xa lìa năm cái

Không còn tối tăm.

Thức dậy nguyện cho

Hết thảy chúng sinh

Được mười tám pháp

Bất cộng của Phật.

Đấy là Bồ-tát

Giới nguyện phải làm

Thương yêu thí khắp

Không bỏ mười phương.

Phẩm MƯỜI ĐỊA

Ở nơi thế giới Nhẫn, có trăm ức Thiên đế Thích, đều ở trên cung điện xanh biếc nơi trời Đao-lợi; hóa làm tòa Sư tử bảy báu, dùng phướng trang trí chỗ giao nhau, dùng lụa trải lên chỗ ngồi, rồi cúi đầu thỉnh Phật. Phật biết ý, liền phân thân biến khắp các cung điện của Đế Thích. Mỗi mỗi Đức Phật, có chúng Bồ-tát theo hầu. Tất cả Thiên đế Thích đều rất an vui mừng rỡ. Trăm ngàn nước nhỏ ở dưới Thiên đế Thích cũng tiếp tục tự thấy được Phật như trước không giảm bớt.

Bấy giờ, hàng Bồ-tát từ các cõi trong mười phương đều đi đến nhóm họp. Các Bồ-tát Pháp Ý, Bồ-tát Thủ Ý, Bồ-tát Hiền Ý, Bồ-tát Cần Ý, Bồ-tát Tư Ý, Bồ-tát Tri Ý, Bồ-tát Thẩm Ý, Bồ-tát Chuyên Ý, Bồ-tát Trọng Ý, Bồ-tát Tận Ý cùng vô số Thượng nhân từ mười phương đến cúi đầu lạy sát chân Phật và lui ra ngồi một bên.

Bồ-tát Pháp Ý, ngồi trên hoa sen, giống như bức tượng, ngồi ngay thẳng, định ý, nhập vào Tam-muội Vô lượng hội kiến, thấy rõ vô số chư Phật nơi mười phương đều duỗi cánh tay phải, xoa trên đầu mình. Các vị đều bảo:

–Lành thay! Pháp Ý! Ông là Bồ-tát dũng mãnh mới được định này. Mười phương các Đức Như Lai và Phật Thích-ca Mâu-ni đều cung kính đối với sự thành tựu công đức Phật của ông; biết ông tu hành biện tài vi diệu, biết rõ tất cả đều không, không đắm vào sự hành hóa, hiểu rõ pháp yếu, thông suốt lời Phật dạy, biết ý nguyện của chúng sinh, biết đầy đủ những việc làm của ông; không bao lâu ông sẽ được thành Phật. Nay ông được lệnh thuyết Mười Trụ Địa Bồ-tát, để làm cho các vị đang tu học biết được hết các việc phải làm.

Lúc này, Bồ-tát Pháp Ý, được Phật chỉ dạy rõ ràng, chính xác, đúng đắn, không thể quên, không thấy khó; từ trong định hiểu ý, xuất khỏi định và nói:

–Các thiện nam! Ai muốn cầu thành Phật thì đã có mười trụ địa, từ xưa đến nay đều từ đấy mà thành tựu; các Đức Phật đều khen ngợi, pháp này thích hợp với vô lượng; nay xin trình bày đầy đủ, như chư Phật đã dạy. Những gì là mười?

1.     Phát ý.

2.     Trị địa.

3.     Ứng hành.

3.     Sinh quý.

5.     Tu thành.

6.     Hạnh đăng.

7.     Bất thoái.

8.     Đồng chân.

9.     Liễu sinh.

10.    Bổ xứ.

Thế nào là Phát ý?

Bồ-tát trụ ở pháp này, có mười việc phải làm, nghĩa là Bồ-tát mới vừa thấy Phật thì phát khởi mười công đức:

1.     Thấy Phật đoan nghiêm.

2.     Thân sắc tướng đầy đủ.

3.     Thần túc biến hóa.

4.     Đạo đức thâm sâu.

5.     Uy nghi không ai sánh kịp.

6.     Biết ý của người.

7.     Giảng dạy rõ ràng kinh điển.

8.     Nói lời chân thật, dễ hiểu.

9.     Thấy nỗi khổ về sinh tử.

10.    Bản thân ưa thích Phật pháp, hiểu rõ chút ít, liền phát đạo tâm. 

Muốn hiểu ngay tất cả mười Trí lực của Phật, pháp học này có mười:

1.     Phải biết thờ kính chư Phật.

2.     Phải nói rõ công đức của Bồ-tát.

3.     Phải xét rõ nguồn gốc sinh tử.

4.     Phải nguyện tu hành quý trọng phước báu.

5.     Phải làm cho hạnh vượt hơn ba cõi.

6.     Phải học nghiệp công đức của chư Phật.

7.     Phải cầu gặp lại chư Phật.

8.     Phải học tập các Tam-muội sâu xa.

9.     Phải Từ bi nghĩ đến các tội khổ.

10.    Phải tùy theo sự di chuyển xoay vòng của sinh tử.

Đó là nguyện đầu tiên của Phát ý Địa.

Thế nào là Trị địa?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc lần lượt phải học:

1.     Nhớ nghĩ người hiền.

2.     Tâm trong sạch.

3.     Ý mềm mỏng.

4.     Chí an tĩnh.

5.     Thường bố thí.

6.     Hành từ ái.

7.     Lợi ích thiên hạ.

8.     Giúp đỡ đồng đều.

9.     Thấy người khác cũng như mình.

10.    Kính người như thầy mình.

Lại có mười pháp học:

1.     Phải tụng kinh nhiều.

2.     Phải xa quê hương.

3.     Phải gần Minh sư.

4.     Phải học lời hay.

5.     Phải biết thời.

6.     Phải tinh tấn.

7.     Phải thể nhập giáo pháp.

8.     Phải biết rõ việc.

9.     Phải không quên.

10.    Phải yên chí.

Đó là thứ lớp để thực hành Trị địa. Thế nào là Ứng hành?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc phải trải qua:

1.     Thấy vô thường.

2.     Thấy sinh khổ.

3.     Thấy hành đều không.

4.     Thấy chẳng có thân.

5.     Thấy không có chủ.

6.     Thấy không có gì để tham.

7.     Không có gì để chìm đắm.

8.     Vô vi.

9.     Vô dục.

10.    Vô cầu.

Lại có mười môn học:

1.     Phải nghĩ đến người.

2.     Phải nghĩ đến cảnh giới.

3.     Phải nghĩ đến pháp.

4.     Phải nghĩ đến loại đất.

5.     Phải nghĩ đến loại nước.

6.     Phải nghĩ đến loại lửa.

7.     Phải nghĩ đến loại gió.

8.     Phải nghĩ đến Dục giới.

9.     Phải nghĩ đến Sắc giới.

10.    Phải nghĩ đến Vô sắc giới, với tâm không quyến luyến.

Đó là sự phân biệt về địa Ứng hành.

Thế nào là Sinh quý?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc làm theo hạnh Phật:

1.     Không trở lại đường tà.

2.     Chuyên tâm hướng đến Phật.

3.     Ý luôn suy nghĩ giáo pháp.

4.     Quán sát hạnh công đức.

5.     Thấy người như huyễn.

6.     Thấy cảnh như chiêm bao.

7.     Thấy họa phước đều không.

8.     Thấy các pháp như ảo.

9.     Thấy khổ và vui không khác.

10.    Hiểu rõ Niết-bàn là trong sạch.

Lại có mười pháp học, cần phải suy nghĩ:

1.     Ý Phật quá khứ không.

2.     Ý Phật hiện tại không.

3.     Ý Phật vị lai không.

4.     Phật pháp quá khứ thanh tịnh.

5.     Phật pháp hiện tại thanh tịnh.

6.     Phật pháp vị lai thanh tịnh.

7.     Phật pháp quá khứ tự nhiên.

8.     Phật pháp hiện tại tự nhiên.

9.     Phật pháp vị lai tự nhiên

10.    Chư Phâït hoàn toàn hưng thạnh như nhau không khác.

Đó là sự bình đẳng của địa Sinh quý.

Thế nào gọi là Tu thành?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc làm để cứu giúp người:

1.     Làm phương tiện cho người.

2.     Làm cho người yên ổn.

3.     Cứu giúp mọi người trong khắp thiên hạ.

4.     Tâm Từ nghĩ đến tất cả.

5.     Tâm Bi thương xót chúng sinh.

6.     Làm cho người hoan hỷ.

7.     Giúp đỡ người và vật.

8.     Khuyên người tu hành đạo.

9.     Làm cho hiện tại được thanh tịnh.

10.    Làm cho đạt được Niết-bàn.

Lại có mười điều phải học: Nên biết chúng sinh không có cốt yếu, không chủng loại, không số lượng, không tạo tác, không chánh đáng, không nghĩ bàn, không tính kể, không thể cứu giúp, không thể nói hết, vì tất cả đều không.

Đó là Thánh hạnh của địa Tu thành.

Thế nào gọi là Hạnh đăng?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc phải vượt qua, mới được thành tựu:

1.     Nghe khen ngợi Phật, chê bai Phật; tâm không thay đổi.

2.     Nghe khen ngợi Pháp, hủy báng Pháp; tâm không thay đổi.

3.     Nghe nói tốt về Bồ-tát, nói xấu Bồ-tát; tâm không thay đổi.

4.     Nghe người phê bình nhau; tâm không thay đổi.

5.     Nghe nhiều người hay ít người; tâm không thay đổi.

6.     Nghe nhiều kinh ít kinh; tâm không thay đổi.

7.     Nghe đời sống khổ, đời sống vui; tâm không thay đổi.

8.     Nghe người khó độ, người dễ độ; tâm không thay đổi.

9.     Nghe pháp thịnh, pháp suy; tâm không thay đổi.

10.    Gặp người có đạo, không có đạo; tâm không thay đổi.

Lại có mười pháp học: Tâm vô tưởng, không thọ tưởng, không chấp thân, không ngã sở, không có kiến chấp, không có chủ thể, không có thọ, vì như hóa, vì không thành, không sở hữu.

Đó là tin rốt ráo về địa Hạnh đăng.

Sao gọi là Bất thoái chuyển?

Bồ-tát trụ pháp này có mười việc, chí phải vững mạnh:

1.     Nói có Phật hay không có Phật, tâm không thoái lui.

2.     Nói có Pháp hay không có Pháp, tâm không thoái lui.

3.     Nói có Bồ-tát hay không có Bồ-tát, tâm không thoái lui.

4.     Nói có cầu Phật hay không cầu Phật, tâm không thoái lui.

5.     Nói có đắc quả vị Phật hay không đắc quả vị Phật, tâm không thoái lui.

6.     Nói xưa có Thánh đạo hay không Thánh đạo, tâm không thoái lui.

7.     Nói nay có Thánh đạo hay không Thánh đạo, tâm không thoái lui.

8.     Nói về sau có Thánh đạo hay không Thánh đạo, tâm không thoái lui.

9.     Nói giống ba đường hay khác ba đường, tâm không thoái lui.

10.    Nói trí Phật hữu tận hay trí Phật vô tận, tâm không thoái lui.

Lại có mười pháp học:

1.     Mở tuệ nhỏ nhập vào trí lớn.

2.     Mở trí lớn nhập vào tuệ nhỏ.

3.     Hiện ra một pháp nhập vào các kinh.

4.     Hiện ra các kinh nhập vào một pháp.

5.     Hiểu rõ chúng sinh nhập vào pháp yếu Không.

6.     Hiểu rõ pháp yếu Không nhập vào chúng sinh.

7.     Bỏ có tưởng để vào định tịch tĩnh.

8.     Bỏ định tịch tĩnh để vào có tưởng.

9.     Thuyết Thiểu tịnh để nhập đa tưởng.

10.    Thuyết đa tưởng để nhập Thiểu tịnh. Đó là tiến tới địa Bất thoái.

Thế nào gọi là Đồng chân?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc tùy thuận mà thâm nhập:

1.     Thân, khẩu, ý không phạm.

2.     Tất cả không có tỳ vết xấu.

3.     Tâm chí ở ngay nơi đời sống hiện tại.

4.     Thấy người biết trong tâm có từ bi.

5.     Biết sự tin ưa trong tâm người.

6.     Biết rõ ý người.

7.     Không nhận ý nghĩ xen tạp.

8.     Biết sự thành bại của các cõi.

9.     Thần túc nhanh chóng đến khắp mười phương.

10.    Giữ gìn đầy đủ tất cả các pháp.

Lại có mười việc phải học:

1.     Học để biết về thế giới của chư Phật.

2.     Học về khả năng của trí tuệ chư Phật.

3.     Học hạnh thần túc của Phật hiện ra.

4.     Học trang nghiêm các cõi Phật.

5.     Học đi khắp các cõi nước.

6.     Học pháp đối đáp khi chúng sinh hỏi.

7.     Học biến hóa khắp nơi.

8.     Học âm thanh Phật diễn thuyết các pháp.

9.     Học cách chuyển vòng quanh khắp mười phương trong chốc lát.

10.    Học khởi một niệm thấy vô số Phật. Đó là Địa Đồng chân thanh tịnh. 

Thế nào là địa Liễu sinh?

Bồ-tát trụ pháp này, có mười việc để nhận thấy trí tuệ:

1.     Biết tất cả sinh về đường nào.

2.     Biết thói quen của chúng sinh.

3.     Biết những chỗ đã ở và đến của con người.

4.     Biết quả báo tội hay phước về hành đôïng của con người.

5.     Biết con người lãnh thọ, hành trì pháp nào.

6.     Biết tâm niệm tốt xấu của người.

7.     Biết ý nghĩ của người thay đổi vô số.

8.     Biết sự sạch nhơ của mười phương.

9.     Biết vô lượng trí tuệ ở trong ba đường.

10.    Biết cần phải nói đúng sự thật.

Lại có mười việc phải học:

1.     Học hạnh chân chánh của Pháp vương.

2.     Học lễ nghi của Pháp vương.

3.     Học sự kiến lập hưng thịnh theo Pháp vương.

4.     Học ra vào theo Pháp vương.

5.     Học sự chu toàn của Pháp vương.

6.     Học oai nghiêm của Pháp vương.

7.     Học cách ngồi đứng của Pháp vương.

8.     Học giáo lệnh của Pháp vương.

9.     Học cách kính người của Pháp vương.

10.    Học cánh hoằng hóa các cõi nước của Pháp vương.

Đó là nhận một cách chắc chắn về địa Liễu sinh.

Thế nào gọi là Bổ xứ?

Bồ-tát trụ pháp này có mười việc mà trí phàm không đạt được:

1.     Sẽ luôn nhớ thương vô số nước.

2.     Sẽ vì vô số nước mà hiện ánh sáng.

3.     Sẽ vì vô số nước mà kiến lập Pháp.

4.     Sẽ hóa độ cho vô số nước.

5.     Sẽ đem lợi ích, an vui cho vô số nước.

6.     Sẽ hiểu tiếng nói của vô số người.

7.     Sẽ quán sát để biết ý chúng sinh.

8.     Sẽ biết suy nghĩ của chúng sinh là vô cùng tận.

9.     Sẽ làm cho vô số chúng sinh nhập vào pháp.

10.    Thứ tự chỉ rõ cho người thể nhập trí tuệ.

Sự khó đạt được về Bổ xứ, là có mười điều khó biết: sự việc của thân, hoạt động của tâm, thần túc, định niệm, biết xưa, rõ nay, thấy rõ việc về sau và biết tu các cõi pháp, các việc của Thánh ý, sự muốn đạt đến Bổ xứ.

Lại có mười việc phải học:

1.     Học trí tuệ Phật để biết ba đường là không có bờ mé.

2.     Học đầy đủ các Phật pháp.

3.     Học từng pháp, từng pháp không có chỗ tham đắm.

4.     Học tận cùng các Tạng của chư Phật.

5.     Học trí thần thông để thành tựu được các cõi.

6.     Học chiếu ánh sáng đến mười phương.

7.     Học Phật định về tâm thương cảm các nước.

8.     Học đạo quyền biến tùy ý giáo hóa.

9.     Học cách dạy khắp khiến được thành tựu.

10.    Học cách tụ họp để chuyển pháp luân.

Sở dĩ muốn biết tất cả, khi đã hiểu biết tất cả rồi thì không còn gì phải học. Đó gọi là Bổ xứ. Thành tựu được một trăm giới pháp này, đời này sẽ được kế tục đạo Vô thượng Chánh chân, làm bậc Chánh giác cao tột, độ thoát khắp thiên hạ.

Phật dạy:

–Lành thay! Lành thay! Bồ-tát Pháp Ý! Có thể gọi ông là Phật tử. Tất cả chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai trong mười phương, đều do pháp đây mà hưng thịnh. Pháp này không bờ bến, chiếu khắp vô lượng, cứu độ người đến vô cùng, tâm trí vô tận.

Phật thuyết kinh này xong, tất cả đều rất vui mừng, cùng đảnh lễ Phật.

KINH BẢN NGHIỆP CỦA BỒ-TÁT

 

 

-

TRANG CHỦ*--KINH ĐIỂN*--ĐẠI TẠNG KINH*--THẦN CHÚ*--HÌNH ẢNH*--中文*--ENGLISH

Uploaded / Updated on 2020-09-24

 

google-site-verification=Iz-GZ95MYH-GJvh3OcJbtL1jFXP5nYmuItnb9Q24Bk0