KINH ĐẠI MINH ĐỘ
Hán dịch: Đời Nam Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi.
QUYỂN 4
Phẩm 11: KHÔNG THỂ TÍNH KỂ
Thiện Nghiệp bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn! Minh độ cùng tột rốt ráo rất lớn, không thể tính lường, không gì sánh được.
Đức Phật dạy:
–Đúng vậy, Như Lai là Bậc Vô Sư Trí Nhất Thiết. Thế nên Minh độ không thể tính kể, an ổn rốt ráo, không có gì sánh được.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Như Lai là Bậc Vô Sư Trí Nhất Thiết vô lượng, vô biên?
Đức Phật dạy:
–Năm ấm không thể tính lường, các pháp cũng vậy. Năm ấm vô biên, các pháp giới hạn, không có bờ mé. Thế nào là chỗ năm ấm, các pháp cũng cùng tận? Thế nào Thiện Nghiệp, hư không có tính kể hết được không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Không thể hết, bạch Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy:
–Các pháp cũng vậy. Do đó, pháp Như Lai, các pháp vô lượng, vô biên. Do pháp vô lượng nên phát tâm học Minh độ vô lượng. Như vậy vốn không có tâm niệm. Ví như hư không không tâm không niệm. Có tâm, có niệm là nhờ làm theo lời giảng nói này, không thể tính kể thời gian.
Năm trăm Tỳ-kheo, hai mươi Tỳ-kheo-ni đắc quả Ứng nghi, sáu mươi tín nam, tín nữ đều được Dự lưu, hai mươi vị Bồ-tát đạt được pháp lạc không từ đâu sinh, sẽ được thọ ký trong kiếp Hiền này.
Thiện Nghiệp thưa:
–Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Minh độ rất lớn, rất an ổn rốt ráo.
Đức Phật dạy:
–Đúng như lời ông nói, sinh ra đạo Nhất thiết trí, các Bồ-tát, Duyên giác đều từ trong ấy mà ra cả. Ví như Chuyển luân thánh vương, tất cả cõi nước đều là bề tôi lệ thuộc vào vua, không có gì lo âu. Pháp Phật, pháp Duyên giác, pháp Thanh văn đều từ trong đó sinh ra. Gầy dựng năm ấm không thọ không nhập thì đạo Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác, trí Nhất thiết cũng không thọ không nhập.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao trí Nhất thiết không thọ không nhập?
Đức Phật dạy:
–Thế nào, ông có thấy hàng Thanh văn được vào không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Thưa không thấy, bạch Đức Thế Tôn!
Đức Phật dạy:
–Lành thay, lành thay! Ta cũng không thấy nơi nhập vào của Như Lai, như ta không chỗ nhập vào. Nhất thiết trí cũng không có nơi nhập vào.
Các Thiên tử, Phạm Thiên tử trời Ái dục đều bạch Phật rằng:
–Rất sâu xa, bạch Đức Thế Tôn! Minh độ khó hiểu.
Dù cho nhân dân trong cõi nước tam thiên ở thời Phật quá khứ đã làm công đức, tất cả đều tin tưởng một cách trọn vẹn qua một kiếp cũng không bằng ngay ở đây – trong Minh độ sâu xa – một ngày ưa thích, nghĩ nhớ đến sự sâu xa không thể tính lường sinh ra công đức kia.
Đức Phật bảo các Thiên tử:
–Dù cho lại có người hiền nghe pháp sâu xa rồi được chứng đắc nhanh hơn những người kia đã tin ưa qua một kiếp. Công đức của họ không bằng ngưòi hiền này.
Nghe việc này xong, các Thiên tử đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh và từ từ lùi xa, rồi không hiện nữa, mỗi vị tự trở về.
Thiện Nghiệp lại bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát Đại sĩ tin Minh độ này là từ đâu sinh đến?
Đức Phật dạy:
–Ví như nghé con mới sinh không rời mẹ, như vậy Bồ-tát Đại sĩ nghe Minh độ rồi chắc chắn không rời Pháp sư, chính là từ trong cõi người sinh đến.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vị nào đạt được công đức ấy, có phải là từ cõi Phật phương khác sinh đến không?
Đức Phật dạy:
–Có vị cúng dường ở cõi Phật phương khác, rồi từ nơi đó sinh đến. Còn ở trên cõi trời Đâu-thuật thì theo thưa hỏi Bồ-tát Từ Thị về Minh độ, nên bây giờ muốn cầu pháp một cách siêng năng, rồi nhờ công đức này lại được kinh này. Hoặc có vị đời trước trong lúc nghe không thưa hỏi về Minh độ, bây giờ mới nghe kinh này nên đối với kinh đó có sự nghi ngờ, nhàm chán, không tin chuộng. Người ấy đời trước không thưa hỏi thầy các việc.
Lại nữa, đời trước Bồ-tát Đại sĩ khi nghe kinh này rồi ở trong đó thưa hỏi về Minh độ hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến năm ngày, nhờ công đức này bây giờ trở lại được kinh này thì tin ưa ngay. Hoặc có người lúc ưa muốn nghe thì bị công dụng của kinh nay làm rối loạn nên tâm vị ấy thường xao động. Nếu nói thì vừa cúi vừa ngửa; người này từ hàng tân học đến, như vậy ít tin ưa nên rơi vào hai nơi là Thanh văn và Duyên giác.
Phẩm 12: THÍ DỤ
Phật bảo Thiện Nghiệp:
–Ví như đang trên biển lớn, thuyền bè bỗng bị hư, người trong thuyền ấy không vịn vào ván, cột buồm thì không thể nào lội được, chắc chắn bị chết đuối. Nếu người nào vịn vào ván hoặc cột buồm, thì khỏe khoắn vịn vào đó bơi thì không chết. Nên biết thuận theo nước biển để vượt ra. Bồ-tát Đại sĩ có tin ưa, có định hạnh, có tinh tấn, muốn được đạo Vô thượng chánh chân mà không đắc được Minh độ, lại không được học Minh độ quyền tuệ sẽ ở trong đạo đắc đạo Thanh văn, Duyên giác. Vị ấy có tin ưa, định hạnh, tinh tấn muốn đạt đến đạo Vô thượng chánh chân, lại được học Minh độ quyền tuệ, chắc chắn không ở Trung đạo lười biếng, mà vượt ra khỏi đạo Thanh văn, Duyên giác, ở ngay trong đạo Vô thượng chánh chân gầy dựng. Ví như người nam, người nữ đem bình đất chưa nung để lấy nước, biết không lâu chắc chắn sẽ hư. Vì sao? Vì chưa hoàn thành. Học không đạt pháp sâu xa này thì chắc chắn không thể đạt được trí Nhất thiết, thì ở Trung đạo nhàm chán rơi vào đạo Nhị thừa. Ví như lấy bình gốm để nung đi gánh nước, an ổn trở về. Vì sao? Vì đã được làm hoàn tất. Cho nên học được pháp sâu xa, biết chắc chắn không ở Trung đạo tự buông lung mà quyết tâm dừng lại ở nơi đạo Vô thượng chánh chân.
Ví như thuyền ở giữa biển lớn, nếu không khéo giữ gìn, lấy tài vật ra xem, đến nơi đường hư, tài vật rơi rớt mất mát trong số các vật quý ấy. Cũng giống như vậy, nếu Bồ-tát Đại sĩ hết lòng học mà không đạt được pháp sâu xa, nên biết đối với Trung đạo nhàm chán thì mất vật quý. Đối với Trung đạo biếng nhác, rơi vào đạo Nhị thừa. Ví như người có bố thí buồm trong biển lớn, cho nên vá sửa thuyền bè để có chỗ đến, đem tài vật cất bên trong, không bị trung đạo làm hư hoại, chắc chắn là đến nơi kia. Như vậy Bồ-tát Đại sĩ có tin ưa, quyết định thực hành, tinh tấn học tập, lại được pháp sâu xa, chắc chắn không ở trong ấy biếng nhác, đang tiến đến gầy dựng đạo Vô thượng chánh chân, nhất định không rơi vào đạo Nhị thừa, mà hướng thẳng đến cửa Phật. Ví như người già cả, thân thể lại bệnh tật, thế nào, người này có khả năng từ giường tự mình đứng dậy được không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Không thể được, bạch Đức Thế Tôn! Người này lúc đứng dậy không có sức lực nên không có khả năng tự mình đi được. Khi bớt bệnh thì có thể tự mình đứng dậy, nhưng không thể đi bộ được.
Đức Phật dạy:
–Cũng giống như vậy, Bồ-tát Đại sĩ học tập thực hành đầy đủ mọi việc như trên, không được pháp sâu xa mà muốn đến đạo Vô thường chánh chân, chắc chắn không đạt được Phật đạo, sẽ ở trong đạo biếng nhác, rơi vào đạo Nhị thừa. Ví như người già bị bệnh vừa bớt, muốn đứng dậy đi phải có người mạnh khỏe đến dìu đỡ, rồi nói rằng: “Đừng sợ, con đưa ông đi”, chắc chắn không đối với Trung đạo vứt bỏ những gì được yêu thích. Như vậy, Bồ-tát học tập đầy đủ như trên, được Minh độ vô cực sâu xa, nên biết minh tuệ quyền biến này chắc chắn không đối với Trung đạo mà biếng nhác thì rốt ráo ở trong đó được đạo Vô thượng chánh chân.
Phẩm 13: PHÂN BIỆT
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Bồ-tát A-xà-phù học Minh độ vô cực?
Phật dạy:
–Nên cùng với bạn lành tôn thờ, dùng ý tốt thuận theo lời dạy của Minh độ. Thế nào là thuận theo lời dạy đó? Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ nên đem ban bố để thành đạo Vô thượng chánh chân. Chớ dính mắc vào năm ấm. Vì sao? Vì Minh độ trí Nhất thiết không có gì dính mắc, không được ưa thích ở trong đạo Thanh văn, Duyên giác. Như vậy, này Thiện Nghiệp! Bồ-tát A-xa-phù hội nhập vào Minh độ.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát chịu các thứ khổ muốn cầu đạo Vô thượng chánh chân.
Phật dạy:
–Đúng vậy, chịu đủ mọi khổ, yên tịnh nơi đời, được mười phương che chở, là tự quy y, là nhà, là độ, là nâng, là dẫn dắt.
Thế nào là che chở? Sinh tử luôn khổ nhọc, phải cứu giúp, chỉ dạy, độ thoát, đây là cứu giúp. Sinh, già, bệnh, chết đều vượt qua hết, đây là tự quy. Được Vô thượng chánh chân đạo Tối chánh giác, được Như Lai nói kinh cho nghe không hề dính mắc, đây là nhà.
Thiện Nghiệp lại hỏi:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là không dính mắc?
Phật dạy:
–Năm ấm không dính mắc, không trói buộc. Năm ấm này không từ nơi nào sinh, không từ nơi nào diệt. Đây là khi Bồ-tát được thành Phật là nhà thế gian. Tại sao Bồ-tát đắc Vô thượng chánh chân đạo Tối chánh giác là pháp độ thế gian? Vượt qua năm ấm mà chẳng phải năm ấm, năm ấm là độ, độ là các pháp.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như Ngài đã nói, vượt qua là các pháp. Các pháp được Tối chánh giác. Vì sao? Vì không bị dính mắc.
Phật dạy:
–Đúng vậy, do không bị dính mắc nên Bồ-tát chịu đựng khổ, nghĩ nhớ đến pháp không lười mỏi, được Vô thượng chánh chân đạo Tối chánh giác nhờ đó nói kinh. Như vậy là vượt qua thế gian.
Thế nào là đài của thế gian? Ví như cái đài ở dưới nước, nước ấy hai bên tránh đi. Như vậy năm ấm quá khứ, vị lai, hiện tại dứt bỏ. Năm ấm dứt bỏ thì các pháp học tập cũng dứt bỏ. Các pháp dứt bỏ thì chính là định. Đây là cam lộ, là Niết-bàn Bồ-tát nghĩ nhớ, pháp vậy là được pháp như, là đạo Vô thượng chánh chân, thời là đài thế gian.
Thế nào là dẫn đường? Được đầy đủ như trên, đã nói như trên. Các pháp, năm ấm các pháp rỗng không, vốn không đến không đi, dấu vết như hư không, không khác, không tưởng, không xứ, không thức, không từ đâu sinh, như mộng như huyễn, vô biên không khác.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, rất sâu xa! Ai mới hoàn toàn việc này?
Phật dạy:
–Người nào cầu Phật từ lâu xa đến nay mới tin tưởng như vậy. Ở thời Phật quá khứ, người ấy đã làm công đức. Người như vậy mới hiểu rõ việc ấy.
Thiện Nghiệp lại hỏi:
–Thế nào là cầu Phật từ lâu xa đến nay?
Phật dạy:
–Lìa xa năm ấm cho đến nay không còn có mới hiểu rõ pháp sâu xa này. Bồ-tát như vậy là dẫn đường cho vô lượng người.
Thiện Nghiệp thưa:
–Đây là người dẫn đường, trong loài người, bạch Thế Tôn.
Phật dạy:
–Đúng vậy, Bồ-tát đã thực hành được những việc như trên là người dẫn đường cho vô lượng người. Đây là thệ nguyện rộng lớn, thệ nguyện vì vô lượng người, không trói buộc bởi năm ấm, không trói buộc bởi Thanh văn, Duyên giác, không bỏ trí Nhất thiết, không trói buộc bởi các pháp, cho nên lập thệ nguyện.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát cầu Minh độ sâu xa không yêu mến ba nơi: Thanh văn, Duyên giác, cho đến Phật đạo sâu xa; không có giữ lấy, không phải không giữ lấy. Không phải không giữ lấy là vì từ trong Trí tuệ độ không có chỗ sinh ra; pháp có khả năng giữ lấy định hay không giữ lấy các pháp, hay giữ lấy không sở hữu, hay giữ lấy vô cực, hay giữ lấy không bị dính mắc?
Đức Phật dạy:
–Người đối với Minh độ như vậy sẽ không thoái chuyển như vậy. Bồ-tát đối với Minh độ không bị dính mắc, chắc chắn không theo lời phàm phu nói, không tin đạo khác, không lo, không sợ, không biếng nhác, nên biết người ấy ở thời Phật quá khứ đã thọ Minh độ rồi.
Thiện Nghiệp lại bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát không lo, không sợ, không biếng nhác là vin vào đâu để trong lúc đang nghĩ nhớ về Minh độ mà quán thấy?
Phật dạy:
–Tâm hướng về trí Nhất thiết, chính là quán.
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tâm hướng đến Nhất thiết trí?
Phật dạy:
–Tâm hướng đến như hư không, chính là quán thấy. Không thấy không thể chấp, trí Nhất thiết như không thể chấp, đây chẳng phải là năm ấm nên không nhập vào, không nắm bắt được, không biết, không có biết, không phải không biết, không có chỗ sinh ra, không bị hư hỏng, không có người làm ra, không đến vì vốn không có dấu vết đi, không có chỗ thấy, không có chỗ ở, như thế không thể giới hạn hư không, trí Nhất thiết không thể tính kể cũng vậy, không làm Phật, không thành Phật, không từ trong năm ấm thành Phật, cũng không từ trong sáu Độ thành Phật.
Thiên tử trời Ái, Thiên tử Phạm bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn, rất sâu xa! Khó hiểu khó biết!
Đức Phật bảo các Thiên tử:
–Đúng thế! Như Lai thấy an ổn sâu xa như vậy… Biết như vậy là biết không lui sụt đối với Vô thượng Tối chánh giác, cũng không có Tối chánh giác.
Các Thiên tử bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn! Ít có người tin kinh này. Vì thương tưởng thế gian nên Ngài nói kinh này. Người đời đều bị dính mắc nơi sự ham muốn.
Phật dạy: –Đúng như vậy.
Phẩm 14: VỐN KHÔNG
Thiện Nghiệp bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp theo thứ lớp không bị dính mắc, không nghĩ tưởng giống như hư không. Kinh này không từ đâu sinh, các pháp tìm cầu không thật có.
Thiện tử trời Ái dục, Thiên tử trời Phạm thiên thưa:
–Những điều Tôn giả Thiện Nghiệp thực hành giống như Đức Như Lai dạy, chỉ nói về trí tuệ như hư không.
Thiện Nghiệp nói:
–Như Lai là tùy theo Như Lai dạy. Thế nào là tùy theo sự chỉ dạy? Như pháp không từ đâu sinh là tùy theo sự chỉ dạy. Đây là vốn không, không đến vốn không có dấu vết đi. Các pháp vốn không, Như Lai cũng vốn không, không khác. Tùy theo pháp vốn không chính là tùy theo Như Lai vốn không. Như Lai vốn không kiến lập là tùy theo Như Lai chỉ dạy và các pháp không khác. Không khác với pháp vốn không nên không có người làm ra, vì tất cả đều vốn không. Lại cũng không có pháp vốn không nên bình đẳng không khác. Đối với chân pháp, vốn không có các pháp vốn không, không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Như Lai cũng vậy. Đây là pháp vốn không chân thật. Bồ-tát đắc được bổn không, Như Lai gọi địa vị này là lục chấn. Đây là Như Lai nói về pháp vốn không. Đây là đệ tử Thiện Nghiệp tùy theo Như Lai dạy. Lại nữa, năm ấm Dự lưu, Tần lai, Bất hoàn, Ứng nghi, Duyên giác không thọ. Đó là tùy theo lời dạy.
Thu Lộ Tử bạch Phật rằng:
–Bạch Đức Thế Tôn, pháp vốn không rất sâu xa!
Lúc Đức Thế Tôn đang nói về pháp vốn không, có hai trăm Tỳ-kheo đắc đạo Ứng cúng, năm trăm Tỳ-kheo-ni đắc đạo Dự lưu, năm trăm vị trời và nhân dân đều đắc được pháp không từ đâu sinh, vui mừng ở trong ấy kiến lập, sáu mươi vị Bồ-tát mới học đắc đạo Ứng nghi.
Phật bảo Thu Lộ Tử:
–Vào thời quá khứ, sáu mươi người này đều cúng dường năm trăm Đức Phật và Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định nhưng không biết về không. Do hoàn toàn không có sự giúp sức của phương tiện khéo léo để đắc được Minh độ nên bây giờ đều rơi vào đạo Thanh văn. Bồ-tát có đạo đức hoàn toàn không sắc, không nguyện; vì không đắc được phương tiện khéo léo của Minh độ nên ở trong đó rơi vào hai đạo kia (Thanh văn, Duyên giác). Ví như con chim lớn, thân dài hai muôn dặm nhưng không có cánh, từ trên trời tự rơi vào không trung, muốn trở về có được không? Thu Lộ Tử thưa:
–Không thể đến đất được, bạch Đức Thế Tôn!
Đức Thế Tôn hỏi:
–Nó muốn cho thân không đau đớn, có thể không đau được chăng?
Thu Lộ Tử thưa:
–Không được, bạch Đức Thế Tôn! Con chim đó hoặc buồn rầu, hoặc chết. Vì sao? Vì thân nó lớn mà không có cánh. Giả sử Bồ-tát trong số kiếp nhiều như cát sông Hằng thực hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, cầu sắc định, không nhập vào rỗng không, không nhập vào Minh độ, không đắc được trí tuệ khéo léo mà phát tâm cầu Phật đạo, tất cả muốn làm Phật thì đối với đạo đắc được Thanh văn, Duyên giác. Nếu ở chỗ Phật, thực hành đầy đủ các việc như trên, lại nghe trí Nhất thiết Phật đều nghĩ nhớ cầu như sắc. Đó là không giữ gìn giới, định, tuệ của Như Lai, không biết trí Nhất thiết, chỉ nghe âm thanh, tâm tưởng như nghe, rồi từ đây thực hành đạo Vô thượng bình đẳng Tối chánh giác thì không thể được, liền ở Trung đạo rơi vào trong đó. Vì sao? Vì không nắm bắt được pháp sâu xa.
Thu Lộ Tử bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài đã nói, nghĩ nhớ trung tuệ, Bồ-tát lìa xa pháp sâu xa thì đắc được đạo Thanh văn, Duyên giác. Nếu người nào thật muốn chứng được đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác nên học trí tuệ khéo léo, quyền biến minh huệ của Minh độ.
Thiên tử trời Ái dục, Thiên tử trời Phạm thiên bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Khó hiểu về đạo Vô thượng chánh chân.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thật khó hiểu rõ. Theo như con nghĩ thì tuệ của đạo Vô thượng chánh chân này dễ được. Vì sao? Vì không có từ đâu thành Phật. Vì sao? Vì các pháp đều rỗng không nên tìm cầu pháp không thật có. Do đó, việc thành Phật, cầu pháp không thật có, nên việc cầu Phật này dễ được thôi.
Thu Lộ Tử nói:
–Theo như ngài đã nói thì khó nắm bắt được. Vì sao? Vì hoàn toàn không nghĩ tưởng là đang thành Phật. Pháp này như hư không, nếu dễ được thì tại sao hằng hà sa Bồ-tát đều theo đuổi.
Thiện Nghiệp thưa:
–Thế nào, dùng năm ấm để đuổi theo chăng?
Thu Lộ Tử đáp:
–Không phải.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Lìa năm ấm đuổi theo chăng?
Thu Lộ Tử đáp:
–Không phải.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Thế nào, chẳng lẽ Thu Lộ Tử nói năm ấm vốn không đuổi theo sao?
Thu Lộ Tử đáp:
–Không phải.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Lìa pháp hữu đuổi theo chăng?
Thu Lộ Tử đáp:
–Không phải.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Thế nào, do pháp vốn không này làm cho đuổi theo chăng?
Thu Lộ Tử đáp:
–Không phải.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Lìa pháp hữu làm cho đuổi theo chăng?
Thu Lộ Tử đáp:
–Không phải! Pháp này không có được thì pháp ở đâu làm cho theo đuổi?
Thu Lộ Tử thưa:
–Như ngài đã nói: “Đại sĩ Thiện Thệ đều không đuổi theo. Đức Phật dạy có ba hạng người có đức cầu Thanh văn, Duyên giác cho đến Phật đạo. Đối với ba hạng người không kể là ba, vì cầu một đạo như Thiện Nghiệp đã nói.”
Mãn Chúc Tử nói với Thu Lộ Tử:
–Thiện Nghiệp nói về một đạo là việc đáng hỏi.
Thu Lộ Tử thưa:
–Nếu nói về một đạo thì tôi nhân theo đây để hỏi.
–Thế nào, ở trong pháp vốn không thấy ba đạo chăng?
Đáp:
–Không thấy. Vì sao? Vì từ trong vốn không chẳng thể có ba việc.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Pháp vốn không là một việc được chăng?
Đáp:
–Không được.
Hỏi:
–Vậy ở trong pháp vốn không có được một đạo chăng?
Đáp:
–Không được.
Thiện Nghiệp nói:
–Nếu xét kỹ thì không thể được, tại sao lại nói đạo Thanh văn, Duyên giác? Như Đức Phật đã nói về đạo, vốn không chẳng khác nghe, tâm vốn không, không biếng nhác thì chắc chắn đắc được Tối chánh giác.
Phật dạy:
–Đúng vậy, không khác. Nhờ oai thần của Phật làm cho ông nói về pháp vốn không bình đẳng không khác.
Thu Lộ Tử hỏi:
–Thế nào là giác?
Đức Phật dạy:
–Giác là đạo Vô thượng chánh chân.
Thiện Nghiệp hỏi Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đối với Bồ-tát thế nào là thành tựu?
Phật dạy:
–Tất cả mọi người đều xem là bình đẳng thì tâm Từ càng thêm thương xót, không được tức giận. Thực hành theo lời này thì nên học theo việc này.
Phẩm 15: KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Thiện Nghiệp hỏi Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển nên làm thế nào để so sánh, quán sát hành tướng của họ như vậy?
Đức Phật dạy:
–Nếu đạt được thiền thì không lay không động, như địa vị Thanh văn, Duyên giác và Phật, như pháp vốn không cuối cùng không lay động.
Đức Phật nói về pháp vốn không, người nghe không nói chẳng phải hư không vốn không, mà vốn không là sở hữu. Vốn không như gốc cũng không nói chẳng phải. Như nghe rồi nếu chuyển đến nơi khác, nghe nhất định không nghi ngờ, không nói là đúng sai. Như vốn không kiến lập, những điều họ nói thành thật nhưng lại không nói. Hành động trái đạo của phàm phu không theo phép tắc, không xem xét. So sánh việc này với hành tướng đủ biết là Đại sĩ không thoái chuyển.
Lại nữa, diện mạo của Sa-môn, Phạm chí không hình tướng, việc này đủ biết rõ, thấy rõ, không cúng bái hương hoa cho trời, cũng không dạy người khác, là do so sánh việc này với hành tướng đủ biết, cuối cùng không sinh vào nơi ác, không làm thân người nữ. So sánh việc này với hành tướng đủ biết là Đại sĩ không thoái chuyển giữ giới. Tự thân mình không giết, dạy người không giết; không trộm cắp, dạy người không trộm cắp; không dâm dục, dạy người không dâm dục; không nói hai chiều, không nói lời ác độc, không nói dối, không nói thêu dệt, ganh ghét, sân si. Mười giới này điều tự giữ gìn, còn dạy người khác giữ hạnh. Trong mộng nằm thấy tự mình giữ mười giới như vậy. So sánh việc này với hành tướng đủ biết. Lại học các pháp, đem tâm này học pháp này, giúp chỉ chúng sinh an ổn chính là giảng kinh. Truyền trao kinh này để phân chia công đức, nguyện cho chúng sinh đạt được định thanh tịnh này để sáng suốt mình tự lập. So sánh việc này với hành tướng đủ biết. Lại khi Đại sĩ nói về pháp sâu xa, thì chắc chắn không nghi ngờ, không nói không tin, cũng không lo sợ. Những lời nói ra nhỏ nhẹ, êm đẹp, ít nằm ngủ, đi bộ ra vào, tâm không rối loạn, đi khoan thai an ổn, nhìn kỹ nơi đất mà đi, mặc y phục bên trong thường sạch sẽ, không có rận rệp, bụi bặm, cũng không lo lắng. Trong thân không có tám mươi thứ sâu trùng. Vì sao? Vì công đức sáu Độ của Bồ-tát Đại sĩ hơn cả Thánh hiền. Ít muốn nhưng có đầy đủ, thân tâm trong sạch đều lãnh thọ ý chí cao cả.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao tâm của Bồ-tát Đại sĩ trong sạch?
Phật dạy:
–Vì công đức của học đã làm càng tăng thêm lên, tâm không bị ngăn ngại nên công đức đều đạt được. Tâm thanh tịnh này hơn hàng Thanh văn, Duyên giác trên. So sánh việc này với hành tướng đủ biết. Lại có người đến cúng dường không tỏ ra vui vẻ, đối với tất cả không keo kiết. Lúc nói về kinh sâu xa không hề nhàm chán, vào sâu trong trí. Nếu người ở nơi khác muốn nghe kinh thì đem Minh độ này giảng nói cho họ. Họ có điều gì không chánh đáng nơi đạo khác thì dùng Minh độ làm cho chánh. Pháp nào xuất xứ từ kinh đều giữ gìn, việc vô nói với họ thường, còn các việc trong kinh sách thế gian không thể hiểu được thì dùng Minh độ này giải thích cho họ hiểu. Do hành tướng này đủ biết. Tà xấu đang từ từ đến chỗ họ, liền ở bên cạnh hóa thành tám địa ngục lớn, trong đó có các Bồ-tát chỉ bảo rằng: “Người này trước kia được Đức Phật thọ ký thành tựu địa vị không thoái chuyển, nay đều đọa vào địa ngục.” Được Đức Phật truyền trao mà còn đọa vào địa ngục. Nếu sớm ăn năn thì nên nói rằng: “Tôi không phải là bậc không thoái chuyển.” Nếu vị nào nói như vậy thì không còn đọa vào địa ngục nữa, sẽ được sinh lên cõi trời.
Phật dạy:
–Nếu vị nào tâm không lay động thì biết là không thoái chuyển.
Do hành tướng này đủ biết tà vạy, lại hóa thành vị thầy mặc y phục đến chỗ họ, hoặc từ trước những điều nghe nhận đều bỏ đi không dùng được. Nếu sớm ăn năn theo lời tôi nói thì mỗi ngày tôi đến thăm hỏi, còn không theo lời tôi nói thì chắc chắn tôi không đến nữa, vì không còn ai nói việc này. Tôi không muốn nghe vì những lời giảng nói trước kia đều ngoài việc này. Hãy lãnh thọ lời tôi nói, chính là những điều Đức Phật đã giảng nói.
Phật dạy:
–Nghe việc này, nếu vị nào lay động, nên biết người ấy chưa được các Đức Phật quá khứ thọ ký, chưa lên đến Đại sĩ mà còn ở trong địa vị không thoái chuyển. Nếu không lay động mà còn nghĩ nhớ kinh này đạt đến chỗ hư không thì có suy nghĩ như vầy: không tin lời tà vạy nói. Ví như Tỳ-kheo đắc được địa vị Thanh văn, không lãnh thọ lời tà vạy nói. Mắt thấy kinh chứng đạo. Đó là do chỗ rỗng không làm ra, chắc chắn không thể lay động. Như Thanh văn, Duyên giác nghĩ nhớ pháp, cuối cùng không còn. Đại sĩ này hướng đến Phật cũng như vậy. Chính là an lập ở địa vị không thoái chuyển, đó là pháp độ cùng tột. Do hành tướng này đủ biết. Tà vạy lại đến chỗ họ, lại còn người khác nói nếu người có sở cầu là cầu khổ, chẳng phải cầu pháp Phật. Nếu cậy vào đây, thì khó dùng nó để mong cầu. Nếu ở trong đường ác trải qua nhiều đời lâu xa muốn được làm người mà không hề suy nghĩ tự lo nhàm chán hay sao? Nên ở nơi nào lại tìm thân này? Tại sao không sớm chứng lấy địa vị Thanh văn, để cầu Phật đạo?
Phật dạy:
–Nếu vị nào không lay động thì tà vạy lại bỏ đi. Lại dùng phương tiện hóa thành một số Bồ-tát đứng bên vị ấy. Còn đến chỉ bảo rằng: Nếu thấy Bồ-tát này đều cúng dường như hằng sa Phật các thứ cơm áo, mền đệm, thuốc men đồng thời lãnh thọ pháp, thưa hỏi về trí tuệ đầy đủ, nên việc làm và điều mong cầu đều phải học. Đúng như pháp trụ, đúng như pháp cầu, đều ở trong đây học tập tu hành, còn chưa được thành Phật, huống gì các ông vin vào đâu mà được chứ?
Phật dạy:
–Nếu vị nào không lay động thì tà vạy bỏ đi không xa, hóa thành Tỳ-kheo nói rằng: “Thanh văn này ở đời quá khứ đều cầu đạo Bồ-tát, đã nắm lấy địa vị Thanh văn rồi, làm sao được thành Phật”?
Phật dạy:
–Do đó, Bồ-tát Đại sĩ thực hành hạnh này. Dù từ nơi khác nghe, tâm vẫn không lay chuyển, không đổi khác. Ở ngay trong đó còn hiểu biết tà vạy, làm những điều không khác lời Phật dạy, vun trồng ý chí, mong cầu đại minh. Nếu vị ấy không thành Phật thì lời Phật nói là sai lầm. Đức Phật dạy không luống dối, nên học tập pháp này, nên thực hành sự mong cầu này. Hãy xét kỹ giáo ấy, tâm không lay động, từ trong ấy biết là tà vạy. Do hành tướng này đủ biết là bậc không thoái chuyển. Lại tà vạy quấy nhiễu nói rằng Đức Phật giống như hư không. Kinh này thực hành cùng cực vô biên bất khả đắc. Vì sao? Vì nghĩa của kinh này có thể thấy biết, chỗ hướng đến của nó đều là hư không. Ở trong đó luôn bị khổ nên không thấy biết việc tà vạy. Chỉ có tà vạy thực hành kinh này thôi, thì làm sao muốn được thành Phật? Đây chẳng phải là lời Phật dạy.
Phật dạy:
–Các hiền nam, hiền nữ thấy rõ, nghĩ xa, bàn kỹ, rồi tự chọn lấy. Yêu tà rất khéo léo, lấy nghịch làm thuận. Dù yêu quái đến vẫn không chao đảo, mà vững chắc như núi Tu-di.
Do hành tướng này đủ biết là người không còn lui sụt thực hành Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tùy theo định này mà Tứ thiền không bó buộc, vào thiền là được thiền. Thực hành định này mà muốn vào trong đó thì Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển không tùy theo định chỉ dạy sẽ được thanh tịnh hơn định trên.
Do hành tướng này mà đủ biết. Lại có người cùng xưng danh đức của vị ấy nhưng vị ấy không lấy làm vui, tâm không lay động, tâm thường ngay thẳng. Nếu tại gia thì không nặng về dâm dục. Nếu lại có lúc như muốn đi qua cái đầm lớn, ở trong đó ăn uống thì lo sợ giặc cướp, muốn đi nhanh bèn tự nghĩ: “Chừng nào ta mới ra khỏi cái đầm này? Nghĩ đến người nữ rịn ra chất bất tịnh chẳng phải là pháp thanh tịnh của ta.” Nên thực hành ý nghĩ này, vì sao? Vì nghĩ nhớ như vậy sẽ làm cho mọi người trong mười phương an ổn.
Phật dạy:
–Như vậy phước ấy đầy đủ, được năng lực oai thần của Minh độ làm cho thực hành ý nghĩ này.
Do hành tướng này đủ biết. Lại có Hòa-di-hoàn theo che chở, các quỷ thần khác không dám dựa, không mất tâm chí, không quên phát tâm, thân không ghẻ nhọt, sáu căn đầy đủ, mẫu mực, sáng suốt, mạnh mẽ nhưng không tự để lộ ra, không dụ dỗ phụ nữ, hoặc có phù chú, thuốc men cũng không làm cho họ, cũng không dạy người dâm dục làm hạnh nhơ uế, mà không dùng lời, thì ý nghĩ xấu xa phi pháp không do đâu sinh ra được. Do hành tướng này đủ biết.
Lại nữa, này Thiện Nghiệp! Ông sẽ lấy tên của hạnh nào làm không thoái chuyển? Bậc không thoái chuyển không làm bạn với chúa vô đạo, tôi hèn nịnh, quân giặc cướp bóc mưu toan giết hại sinh linh, nam nữ phi pháp, cổ đạo dâm dật, cúng tế tiền gạo, giết mổ, rượu chè, lụa là, ướp hương, ca hát vui đùa, xuống biển đến chỗ nguy hiểm tìm lấy lợi lộc. Những hạng người như vậy trước sau không làm bạn. Bồ-tát tùy theo từng việc nhưng không rời trí Nhất thiết, thường khen ngợi bậc hiền, cho là bậc đứng đầu trong bàn luận. Xa người ngu si, gần gũi bậc Thánh, tôn kính Tam bảo, cứ như thế thề rằng Bồ-tát không thoái chuyển thường nguyện sinh cõi Phật phương khác, nguyện cao thề sâu chắc chắn được vãng sinh. Do đó, thường thấy Phật, được cúng dường. Nguyện như vậy từ nơi cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, từ nơi ấy đến sinh vào nơi có Phật pháp hưng thịnh. Đối với Bồ-tát, trí tuệ là nhà, tám chánh là bàn luận về nghĩa kinh, việc trái nghịch không tham dự, xa nơi biên địa không có Phật, tánh thanh tịnh chân thật, không phạm pháp. Hành tướng như thế đủ biết là bậc không thoái chuyển. Bồ-tát không thoái chuyển chẳng nói tôi đúng không nghi, tôi chẳng nghi giữa chừng. Ví như được đạo Dự lưu, ở trong địa vị ấy nhất định không nghi. Việc tà vạy vừa phát sinh liền hiểu biết, thà mất mạng mà tâm không quanh co. Ở địa vị đó tự mình chắc chắn không nghi ngờ, không biếng nhác, không có tâm Thanh văn, Duyên giác, tâm không niệm Phật khó được an trụ. Ở địa vị ấy, tâm rộng lớn, tỏ ra xa vời, mạnh mẽ nên không ai hơn được. Vì sao? Vì trụ như vậy không ai có thể hơn được. Do đó tà vạy, buồn rầu, căm giận liền hóa thành thân Phật đến nói với vị ấy rằng: nếu ở đây có thể chứng đạo Thanh văn, vẫn chưa được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác. Vì sao? Vì nếu không có được hành tướng này thì do đâu biết chẳng phải Phật, mà chính là tà vạy thôi. Như Đức Phật đã dạy: Suy nghĩ, xem xét nó thì điều tà vạy muốn làm cho ta lay động. Đức Phật dạy: Nếu là bậc nhất động thì đã biết ở thời Phật quá khứ được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân Tối chánh giác. Vị ấy đều biết pháp hạnh trung chánh nên không tiếc thân mạng và tất cả pháp, do đó được lãnh thọ minh pháp của chư Phật từ xưa đến nay và luôn giữ gìn. Do vậy không tiếc thân mạng, không hề biếng nhác và không lúc nào nhàm chán. Khi Đức Như Lai và các đệ tử giảng kinh thì không nghi ngờ nói sai. Vì sao?
Vì đạt được pháp lạc không từ đâu sinh và ở trong đó kiến lập giữ gìn công đức này, đều biết đầy đủ là Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển.
Phẩm 16: TÍN NỮ HẰNG KIỆT
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Đại sĩ không thoái chuyển do công đức lớn sinh ra nên được giảng nói cho nghe về Minh độ để nhập vào pháp sâu xa.
Phật dạy:
–Lành thay, lành thay! Nếu ở trong thì Bồ-tát làm cho đi vào pháp sâu xa. Thế nào là nhập sâu vào pháp không, đó là nhập sâu vào vô tướng, vô nguyện, vô thức, vô sinh diệt. Niết-bàn là bị giới hạn?
Thiện Nghiệp lại bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Niết-bàn là giới hạn, chẳng phải các pháp.
Phật dạy:
–Các pháp rất sâu xa. Sắc bệnh hoạn, tư tưởng sinh tử phân biệt rất sâu xa. Thế nào là năm ấm rất sâu xa? Giống như pháp vốn không, cho nên rất sâu xa.
Thiện Nghiệp thưa:
–Khó sánh bằng, bạch Đức Thế Tôn! Nếu bỏ sắc thì được Niết-bàn.
Phật dạy:
–Đây cùng tương ưng với Minh độ. Nên trụ vào đây học Minh độ. Bồ-tát tùy theo đây tu hành, suy nghĩ, nhớ tưởng, một ngày giống như trong mộng giáo hóa bao nhiêu kiếp sinh tử.
Phật dạy:
–Ví như người nam ưa thích thú vui xác thịt (dâm dật), đưa tiền của cho người nữ có sắc kia rồi hẹn hò với cô ta. Cô gái không được rảnh rỗi thì nhiều người dâm phu có tưởng nhớ nhiều không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Vì sắc nên người nam tưởng nhớ đến khuôn mặt cô gái, hẹn hò gặp gỡ, đưa anh ta đến ngu tình.
Phật dạy:
–Trong một ngày có bao nhiêu ý niệm?
Thiện Nghiệp thưa:
–Có rất nhiều, bạch Đức Thế Tôn!
Đức Phật dạy:
–Nếu người kia nghĩ nhớ trong một ngày thì tâm dao động nhiều. Bồ-tát cũng như vậy, muốn học tịnh hạnh thì trong một ngày phải bỏ rất nhiều tội lỗi xấu xa. Nếu lìa Minh độ, thì dù bố thí như cát sông Hằng cũng không bằng. Giả sử tuổi thọ như cát sông Hằng và trước đó tu hành đạo Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, Ứng cúng, Duyên giác cho đến Phật mà không đắc được Minh độ, thực hành không đúng như lời dạy thì không bằng hạnh này, dạy đúng cho Bồ-tát.
Lại nữa, tuổi thọ như trước, bố thí, trì giới đầy đủ, nếu cầu Minh độ thì có ý niệm nói kinh. Đức của vị ấy xuất xứ từ trên kia, đem kinh bố thí để thành đạo Vô thượng chánh chân, tự thâm nhập vào lời dạy nên đức của vị ấy càng cao. Tự thâm nhập là được trí tuệ độ ủng hộ, chưa bao giờ lìa xa nên đức của vị ấy rất nhiều.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Bạch Đức Thế Tôn! Sự hiểu biết có chấp trước. Trong hai việc này, công đức nào nhiều?
Phật dạy:
–Bồ-tát đã biết, nếu cầu Minh độ muốn được sự an vui vô sở hữu, an vui cùng tận thì nhớ nghĩ vô thường. Đây là không xa lìa Minh độ, được đức không thể tính kể.
Thiện Nghiệp hỏi Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Không thể tính kể lại còn nói xưng số, như vậy có gì khác chăng?
Phật dạy:
–Xưng số là số ấy vô tận. Còn không thể tính kể là số lượng vô biên, cho nên gọi là không thể tính kể số lượng.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Ngài dạy không thể tính kể thì năm ấm cũng vậy phải chăng?
Phật dạy:
–Theo như ông hỏi, thì chắc phải có nguyên nhân để năm ấm không thể tính lường.
Thiện Nghiệp hỏi Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là vô lượng?
Phật dạy:
–Đối với không trung mà tính đếm thì pháp không thể tính đếm được.
Phật dạy:
–Thế nào Thiện Nghiệp! Ta không từng nói các pháp là không ư?
Thiện Nghiệp thưa:
–Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai nói tất cả đều không.
Đức Phật dạy:
–Như vậy các pháp đều không, không thể tính kể được. Qua trí tuệ cũng không có, đều là dòng khác. Như Lai chỉ phân biệt để nói, không thể lường hết được, là không, là tướng, là nguyện, là thức, là diệt độ. Hễ thích nói gì thì nói, thị hiện giáo hóa. Như Lai là như thế.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Khó sánh bằng, bạch Đức Thế Tôn! Kinh vốn không thì làm sao lại ở trong không mà nói kinh? Kinh này không thể nắm bắt được, như con hiểu thì các pháp của Phật không thể nắm bắt được.
Phật dạy:
–Như vậy các pháp không thể nắm bắt được, vì các pháp là không.
Thiện Nghiệp thưa:
–Như Đức Phật đã nói vốn không thể nắm bắt được, cúi xin Ngài giải thích về trí tuệ không thể nắm bắt được có thêm bớt không?
Phật dạy:
–Không.
Thiện Nghiệp thưa:
–Trí tuệ không thể nắm bắt được không thêm không bớt, sáu Độ cũng như vậy. Nếu nó không thêm thì nguyên nhân nào Bồ-tát gần gũi đạo Vô thượng chánh chân chứng được chánh giác? Còn nếu không bớt thì Bồ-tát mong cầu giữ lấy trí tuệ khéo léo của Minh độ nên không nghĩ nhớ bố thí. Tăng thêm và giảm bớt đều không nghĩ nhớ như thế. Đây chỉ gọi là Bố thí vô cực. Đã bố thí mà còn nghĩ nhớ giữ gìn công đức này để thành đạo Vô thượng chánh chân thì đối với Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định cũng đều như vậy. Bồ-tát cầu Minh độ phải giữ lấy nó. Nếu được trí tuệ khéo léo thì không có ý niệm này. Tăng thêm hay giảm bớt chỉ là tên gọi mà thôi. Nghĩ nhớ phát tâm đúng như đạo Vô thượng chánh chân. Ta thực hành việc bố thí này. Thế nào là đạo Vô thượng chánh chân?
Phật dạy:
–Vốn là không, vì vốn không nên không thêm không bớt. Thường theo niệm này không xa lìa là gần gũi.
Thiện Nghiệp hỏi:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát lấy ý ban đầu gần gũi đạo Vô thượng chánh chân hay lấy ý sau để gần gũi? Nếu cả hai ý này không hợp lý thì công đức nào sinh ra nó rộng lớn như vậy?
Phật dạy:
–Ví như đốt đuốc, do tác dụng ban đầu làm cây đuốc phát ra ánh sáng hay do tác dụng sau phát ra ánh sáng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phải ban đầu phát sáng, cũng không lìa ban đầu mà phát sáng, chẳng phải sau phát sáng, cũng không phải lìa sau mà phát sáng.
Phật dạy:
–Đúng vậy, không do ý ban đầu được đạo Vô thượng chánh chân, cũng không lìa ý ban đầu, chẳng phải ý sau, cũng không phải lìa ý sau mà được. Đó là được Chánh giác. Thế nào, có phải tâm trước diệt thì tâm sau sinh chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Không phải, bạch Đức Thế Tôn!
Phật hỏi:
–Thế nào, tâm mới sinh có thể diệt không?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Không thể nói sẽ bị diệt.
–Vậy có thể làm cho không diệt được chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, không thể được!
Phật hỏi:
–Có thể trụ vào pháp vốn không chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu muốn trụ vào pháp vốn không thì phải đúng như pháp vốn không mà trụ.
Phật dạy:
–Nếu ở trong cái vốn không mà trụ thì có thể vững chắc lâu dài chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!
–Pháp vốn không rất sâu xa, vậy có thể cho rằng vốn không có tâm chăng, hay lìa vốn không mà có tâm?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, thưa không! –Có thấy pháp vốn không chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Thưa không thấy, bạch Đức Thế Tôn!
–Làm việc mong cầu này là mong cầu sâu xa chăng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn! Mong cầu như vậy là không có chỗ cầu. Vì sao? Vì pháp này rõ ràng không thể thấy được.
Phật dạy:
–Bồ-tát Đại sĩ cầu Minh độ là cầu gì?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, là cầu không! Cầu không chính là cầu.
–Thế nào là cầu vô tướng, hay là bỏ tướng?
Thiện Nghiệp thưa:
–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn!
–Thế nào là tướng không bỏ đi?
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát không tìm cầu tướng hư vọng này. Vì sao? Vì Bồ-tát cầu tướng tận diệt mới có thể đắc được đạo Thanh văn. Phương tiện khéo léo của Bồ-tát không diệt tưởng chứng đắc mà hướng đến vô tưởng theo lời dạy này.
Thu Lộ Tử nói nới Thiện Nghiệp:
–Có ba việc hướng đến định giữ lấy cửa định, đó là Không, Vô nguyện, Vô tướng, chính là ba việc có ích đối với Trí tuệ độ. Chẳng những ban ngày có ích mà ngay cả ban đêm ở trong mộng cũng có ích. Vì sao? Vì ban ngày ban đêm hay ở trong mộng, Đức Phật dạy đều bình đẳng không khác.
Thiện Nghiệp thưa với Thu Lộ Tử:
–Nếu Bồ-tát ban ngày có ích, ban đêm ở trong mộng cũng có ích, vậy xin hỏi những việc đã làm trong mộng có làm được không, như các kinh đã nói?
Thiện Nghiệp thưa:
–Trong mộng làm điều lành thì ưa thích làm thêm, còn điều ác thì chán ghét không làm.
Nếu ở trong mộng giết người thì tại sao sau khi thức lại vui mừng sướng thích?
Thiện Nghiệp thưa:
–Tâm không có khổ nên đều có sở duyên. Hoặc có thấy, nghe, hoặc nghĩ tưởng làm nhân duyên cho nên biết. Từ trong đây làm cho tâm người ta dính mắc, hoặc không bị dính mắc. Đó là không luống dối, đều có sở duyên.
Thu Lộ Tử hỏi:
–Việc làm đã không thì do đâu tâm có chỗ duyên?
Thiện Nghiệp thưa:
–Tâm tưởng đến nhân duyên thì nhân duyên phát sinh.
Thu Lộ Tử nói:
–Bồ-tát ở trong mộng bố thí, dùng việc bố thí này để thành đạo Vô thượng chánh chân, như vậy có người bố thí không?
Thiện Nghiệp đáp:
–Bồ-tát Di-lặc gần ở trước, một ngày sẽ bổ xứ Phật, nếu Ngài muốn biết nên hỏi Bồ-tát.
Thu Lộ Tử hỏi Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Di-lặc nói:
–Như tên tôi là Di-lặc, vậy nên lấy sắc để hiểu về trí tuệ chăng? Hay lấy tư tưởng bệnh hoạn sinh tử để hiểu? Hay đem thân này để hiểu? Nếu năm ấm là không mà hiểu năm ấm là không, vô lực thì nên hiểu là pháp không thấy, cũng không thấy nên hiểu được người đắc đạo.
Thu Lộ Tử hỏi:
–Điều Ngài nói có chứng đắc được không?
Đáp:
–Những điều tôi nói không chứng đắc được. Thu Lộ Tử có ý niệm như vầy: Di-lặc đã nhập vào trí tuệ rất sâu xa, rất sâu xa. Vì sao? Vì đã thực hành Minh độ lâu xa cho đến nay.
Phật dạy:
–Thế nào, thấy giống như thực hành đạo Thanh văn hay không?
–Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy:
–Bồ-tát không có ý niệm rằng: “Ta được thọ ký pháp này.”
Hoặc đối với pháp đắc được Chánh giác, cũng không đắc được Chánh giác, thực hành hạnh này là cầu Minh độ không sợ, ta không thành Chánh giác. Theo đúng trong pháp dạy, thế nên mạnh mẽ không lo sợ gì. Dù có đến chỗ nguy hiểm trong cọp sói cũng nghĩ rằng: “Nếu con vật nào ăn thịt tôi thì tôi sẽ bố thí, thực hành Bố thí độ vô cực, gần đạo Vô thượng chánh chân. Nguyện khi thành Phật, ở trong nước tôi không có cầm thú.”
Đến chỗ giặc cướp, nếu bị chết ở trong đó nghĩ rằng: “Thân tôi rốt cuộc sẽ vứt bỏ, nếu giết tôi, tôi cũng không tức giận, thực hành đầy đủ hạnh Nhẫn nhục độ vô cực, gần đạo Vô thượng chánh chân. Trong nước tôi không có giặc cướp”.
Đến nơi không có nước uống cũng nghĩ rằng “Nhân dân không có đức nên mới bị như vậy. Khi tôi thành Phật, trong nước tôi, nhân dân đều được nước tám vị của trí Nhất thiết.” Vì tất cả nên phải tinh tấn. Đến chỗ lúa gạo quý hiếm cũng nghĩ rằng: “Phải tinh tấn thành Phật. Nguyện rằng khi tôi thành Phật, trong nước tôi không có nơi nào lúa gạo quý hiếm, đều làm cho nhân dân nguyện gì, mong gì, thức ăn liền ở trước mặt, tất cả như ở cung trời Đaolợi. Vì chúng sinh nên phải tinh tấn. Có năm xấu kém, dù cho thân gặp năm xấu kém mà chết thì tâm tôi không thay đổi, chắc chắn phải hàng phục quan thuộc tà vạy, thực hành tinh tấn vì mong cầu Phật đạo. Khi tôi thành Phật, nhân dân trong nước tôi không có người nào chết vì gặp năm xấu kém. Những gì tôi nói ra, sau khi thành Phật tôi vẫn không thay đổi.”
Lại nữa, Thu Lộ Tử! Bồ-tát nghe việc này liền thở dài, đạo Vô thượng chánh chân, hoặc lâu xa về sau mới được thành Phật, cũng không có sợ hãi. Từ xưa đến nay thở dài như khoảng thời gian một ý chuyển. Vì sao? Vì không có địa vị gốc rễ mới được thành Phật, tâm an nhiên không kinh sợ.
Lúc ấy, có vị Thanh tín nữ đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đến trước chỗ Phật đảnh lễ rồi quỳ thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Khi nghe việc này con không sợ, chắc chắn dứt được sợ hãi, đến nơi tìm cầu Phật đạo. Nếu được thành Phật con sẽ nói kinh.
Đức Phật mỉm cười, trong miệng Ngài phát ra ánh sáng mầu vàng ròng. Tín nữ thanh tịnh liền rải hoa vàng lên Đức Phật. Do oai thần của Đức Phật nên hoa không rơi xuống đất.
Đứng dậy khỏi chỗ ngồi, sửa lại ca-sa, A-nan đến trước Phật, làm lễ rồi quỳ thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật không bao giờ cười suông, Ngài đã cười thì sẽ có điều giảng nói.
Phật bảo A-nan:
–Tín nữ thanh tịnh Hằng Kiệt này về sau ở kiếp vị lai, kiếp đó có tên là Tinh tú, Đức Phật hiệu là Kim Hoa. Tín nữ này về sau vào thời gian ấy sẽ bỏ thân gái, làm thân nam và sẽ sinh về cõi Phật Vô Nộ. Từ một cõi Phật sinh về một cõi Phật. Ví như Kim luân Thánh vương từ một lầu quán đến một lầu quán. Từ khi sinh cho đến khi chết, chân không đạp đất. Tín nữ này cũng như vậy, từ một cõi Phật đến một cõi Phật bao giờ cũng gặp Phật, chân không đạp đất, tự đạt đến quả Phật.
A-nan nghĩ: “Như cõi Phật Vô Nộ, các Bồ-tát hội họp chính là Phật hội họp.” Biết tâm niệm của A-nan, Đức Phật dạy:
–Đúng vậy, A-nan! Người ở các hội ấy đều đã vượt khỏi sinh tử. Tín nữ thanh tịnh này về sau thành Phật hiệu là Phật Kim Hoa, độ vô số Thanh văn, làm cho họ hết sạch ba độc. Trong nước không có cầm thú, giặp cướp, không có nơi lúa nước quý hiếm, bệnh tật và các việc ác khác đều không có.
A-nan lại hỏi Đức Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Tín nữ thanh tịnh làm công đức từ Đức Phật nào?
Đức Phật dạy:
–Tín nữ này đã làm công đức nơi Đức Phật Định Quang, ban đầu phát tâm cầu Phật. Lúc ấy tín nữ này cũng đem hoa vàng rải lên Đức Phật, nguyện đem công đức cúng dường này để thành đạo Vô thượng chánh chân.
Phật dạy:
–Như ta đem năm cành hoa rải lên Đức Phật Định Quang, liền đạt được pháp lạc không từ đâu sinh ra, an lập trong đó. Đức Phật liền thọ ký cho ta chín mươi một kiếp sau sẽ được thành Phật, hiệu là Thích-ca. Lúc ấy, tín nữ này thấy ta được Phật thọ ký, cô ấy nghĩ rằng: “Mình sẽ được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân.” A-nan bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Điều mong cầu của tín nữ này đã đạt được.
Phẩm 17: THỦ KHÔNG
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Đại sĩ thực hành Minh độ vô cực, thế nào là nhập vào không, là không định?
Phật dạy:
–Sắc bệnh hoạn nghĩ tưởng sinh tử thức không quán. Nhất tâm thực hành quán này thì không thấy pháp, đối với pháp không có chứng đắc.
Theo lời Phật dạy thì không chứng đắc đối với không, vì sao Bồ-tát an lập ở trong định mà không chứng được?
Phật dạy:
–Bồ-tát này nhớ nghĩ đầy đủ về không, nhưng không chứng đắc. Thực hành pháp quán này nhưng không chứng đắc. Quán vào nơi vừa muốn hướng đến, lúc ấy cũng không chứng đắc. Tâm không nhập định nên chấp trước không mất. Pháp của Bồ-tát vốn không đối với trung đạo mà có sự chứng đắc. Vì sao? Vì bản nguyện là cứu giúp chúng sinh nên mở rộng tâm Từ, có đầy đủ công đức nhưng không ở trong đó chứng đắc. Bồ-tát Đại sĩ được Minh độ, chứng được công đức lớn là nhờ vào đại lực này. Ví như người có sức mạnh có khả năng đánh lui quân giặc. Là người khỏe mạnh, ngay thẳng, thì không có việc gì không làm được. Đối với bốn bộ binh pháp đều hiểu biết và luyện tập một cách khéo léo nên được mọi người kính trọng, đi đến nơi nào cũng đều có được sức mạnh, rồi đem những gì mình có được mà đem phân phát cho mọi người, nhưng tâm vẫn vui vẻ. Nếu có việc khác cùng với cha,mẹ, vợ, con đi vào con đường rất nguy hiểm, người ấy an ủi người thân: “Chớ lo sợ, giờ đây được thoát nạn rồi.” Dù có nhiều kẻ thù đến, người ấy vẫn có nhiều mưu chước cứu người thân khỏi bị hại, rồi đưa họ về quê nhà để gia tộc được yên ổn và kẻ thù cũng không bị tổn hại. Vì sao? Vì người ấy dùng nhiều mưu chước khéo léo. Người ấy có trí tuệ mạnh mẽ, có khả năng làm những việc huyễn hóa, hóa thành nhiều người nên kẻ thù trông thấy kinh sợ, bỏ chạy tán loạn, dân làng khen ngợi đức tốt nhưng không vui mừng. Đối với chúng sinh, Bồ-tát Đại sĩ này thực hành tâm đại Từ vượt hơn cả địa vị Thanh văn, Duyên giác, an lập trong định, đối với chúng sinh đều thương yêu không có sở kiến, không thủ chứng đối với họ. Nhập vào Không sâu xa nhưng làm Thanh văn, thực hành hạnh này để hướng đến định, hướng đến cửa Niết-bàn, không có tưởng, không nhập không thủ chứng. Giống như chim bay trong hư không không bị va chạm chướng ngại. Thực hành như vậy, muốn hướng đến không thì đạt đến không, hướng đến vô tưởng thì đạt đến vô tưởng, không rơi vào không vô tưởng, muốn đầy đủ các pháp của Đức Phật. Ví như người thợ bắn giỏi, bắn lên hư không, mũi tên sau bắn trúng vào mũi tên trước, rồi bắn tiếp tục, mũi tên sau lại trúng vào mũi tên trước, đến khi nào người ấy muốn cho mũi tên rơi xuống thì nó mới rơi. Thực hành Minh độ như vậy là được sự giúp sức của minh tuệ quyền biến. Tự ở địa vị của mình, không đối với Trung đạo thủ chứng rơi vào hai đạo hạnh. Nhờ công đức này đạt được đạo Vô thượng chánh chân, thành tựu đầy đủ liền được thành Phật. Đối với kinh này quán không thủ chứng.
Thiện Nghiệp bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Chịu khổ thực hành việc học này, không đối với Trung đạo thủ chứng.
Phật dạy:
–Tất cả đều che chở chúng sinh nên giữ định, hướng đến cửa diệt độ, tâm niệm phân biệt. Thế nào là phân biệt? Là giữ không định phân biệt, không tưởng định phân biệt. Minh tuệ quyền biến giúp cho không đối với Trung đạo thủ chứng. Vì sao được minh tuệ quyền biến giúp sức? Vì tâm niệm cứu giúp chúng sinh nên giữ được niệm này, không đối với Trung đạo thủ chứng.
Lại nữa, đi sâu vào quán khổ, không định hướng đến cửa diệt độ, cho nên phân biệt tư tưởng nhân duyên của mọi người từ lâu xa đến nay, ở trong đó cầu đạo Vô thượng chánh chân giảng nói kinh nên bỏ nhân duyên này giữ Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định, hướng đến cửa diệt độ không đối với Trung đạo thủ chứng.
Lại nữa, Bồ-tát nghĩ rằng: Từ lâu xa mọi người cho rằng thường có tưởng, có ngã tưởng, có hảo tưởng, mỗi mỗi đều mong cầu: “Khi tôi thực hành đạo Vô thượng chánh chân vì có mọi người nên làm, giảng nói kinh để dứt trừ các tưởng này, dứt bỏ tất cả sự mong cầu.”
Thế nào là dứt trừ các thường này chẳng phải thường? Sự vui này đều là khổ, thân này chẳng phải thân, cái đẹp này đều xấu xa. Bồ-tát suy nghĩ vì Minh tuệ quyền biến giữ vô nguyện định, hướng đến cửa diệt độ, không đối với trung đạo thủ chứng. Nếu Bồ-tát Đại sĩ nghĩ rằng: “Chúng sinh từ lâu xa đến nay cầu nhân duyên, cầu tưởng, cầu dục, cầu tụ tưởng, cầu không tưởng cầu.” Bồ-tát nói: “Ta phải làm cho chúng sinh không có các tưởng này.” Do lòng Từ rộng khắp đến như vậy nên đắc được Minh tuệ quyền biến. Pháp này quán không, tưởng, nguyện, thức không từ đâu sinh, đều giới hạn, không đối với Trung đạo thủ chứng pháp. Nên biết như thế. Bồ-tát làm thế nào cầu Minh độ? Do đâu học tập hiểu biết pháp trong tâm? Nhập định thủ không, hướng đến cửa diệt độ, giữ vô tưởng, vô nguyện, vô thức, không từ đâu sinh định, hướng đến cửa diệt độ. Bồ-tát này không đắc được tuệ nên giữ niệm không, vô tưởng, vô nguyện, vô thức, không từ đâu sinh niệm định ý. Có người đến hỏi thì không đem ngay tâm không thể tính kể làm cho người ta hiểu. Như vậy đều là Bồ-tát không thoái chuyển. Vì sao Bồ-tát không thoái chuyển đối với tâm nhiều vô số kể đều biết hết? Do thực hành hạnh này mà không biết đầy đủ nên chưa đạt được trí tuệ không thoái chuyển.
Thiện Nghiệp thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Số người cầu đạo Bồ-tát nhiều không thể tính kể, nhưng ít có người hiểu biết.
Đức Phật dạy:
–Ta sẽ làm cho những người này hiểu biết rồi thọ ký. Đối với công đức thù thắng biết được pháp Thanh văn, Duyên giác; các Trời, Người, Rồng, Quỷ, Thần Chất lượng không thể sánh bằng.
KINH ĐẠI MINH ĐỘ
MỤC LỤC Quyển 01 Quyển 02 Quyển 03 Quyển 04 Quyển 05 Quyển 06
|